Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng đôi khi hiểu lầm, trách móc và cãi cọ là chuyện thường tình, thật khó tránh khỏi hoàn toàn. Nhưng mấu chốt của những khúc mắc là hai người vẫn còn trân trọng nhau, cùng ngồi xuống nói chuyện giải quyết. Đồng thời, mỗi cá nhân còn cần yêu chính bản thân mình để không miễn cưỡng cúi đầu hay dễ dàng bị đối phương thao túng, nạt nộ. Câu chuyện đáng suy ngẫm của vợ chồng K. dưới đây có lẽ sẽ gợi lên nhiều bài học mà chị em phụ nữ nên khắc cốt ghi tâm.
Chồng chê trách giữa chốn đông người
Chồng của K. làm chủ xưởng in đã duy trì được khoảng 3 năm nay. Trong khi đó, K. làm nội trợ và còn chăm con 2 tuổi. Vợ chồng lấy nhau được 4 năm trời, cuộc sống kinh tế nói chung không thiếu thốn nhưng tình cảm thì nhiều khi không được trọn vẹn. Bởi công việc tại xưởng khá nhiều và vất vả, dễ khiến người đàn ông mệt mỏi, rơi vào trạng thái bực dọc. Về tới nhà, chỉ cần thấy cơm nước chưa sẵn sàng, quần áo còn chưa cất thì anh hoàn toàn có thể cáu giận, mắng om xòm.
"Vài tháng trước, chồng mình xuất hiện những cơn đau, anh chán ăn, mệt mỏi. Đi viện khám thì mới biết chồng bị suy nhược cơ thể, phải thường xuyên thăm khám tại bệnh viện. Ấy thế nhưng tình trạng chưa đáng nguy nên chồng vẫn còn lạc quan lắm. Anh tiếp tục lao vào vòng xoáy công việc, không màng tới sức khỏe. Tới một ngày chồng mình ngất ở giữa xưởng nên anh phải nhập viện khẩn cấp" - K. chia sẻ.
Vào bệnh viện, một mình K. phải chăm sóc chồng, cô còn gửi con nhỏ cho bố mẹ đẻ. Ấy thế nhưng chồng của K. vẫn không thôi cáu gắt, mắng nhiếc vợ. Thêm nữa, vì muốn đảm bảo vệ sinh nên K. đã tự tay nấu cơm mang vào cho chồng chứ không mua ngoài. Quãng đường giữa bệnh viện và nhà không phải ngắn, đi lại cũng mất nhiều thời gian.
Nhiều hôm vợ vào trễ, chồng của K. cáu nhặng lên khiến cho những người bệnh chung phòng còn thấy ái ngại. Đỉnh điểm có một lần, anh bảo vợ là vô tâm, thậm chí còn mỉa mai chắc K. muốn lấy chồng mới. K. còn rơi nước mắt nhưng cô mau chóng gạt đi để không bị ê chề trước mọi người xung quanh. Trước sự lạnh lùng, vô lý của chồng, K. thấy đã đến lúc cần phải làm cho anh tỉnh ngộ, không được giữ thái độ coi thường vợ nữa.
Pha xử lý của người vợ khiến anh chồng ngậm ngùi
K. vẫn giữ thói quen mang đồ ăn tới cho chồng đều đặn đúng bữa nhưng cô nhờ người khác cùng phòng chuyển cho chồng. Sau đó K. đi về. Bởi nếu anh ấy đã mắng nhiếc vợ như vậy thì cô cũng cần dạy cho anh hiểu cảm giác thiếu vắng bà xã sẽ thế nào. Tỉnh dậy, thấy đồ ăn nóng hổi nhưng thiếu đi bóng hình của vợ, chồng K. ngậm ngùi, bỗng nhớ nhung. Phải đến 2 ngày vợ không vào viện thăm, anh xao xuyến tới mức cồn cào.
Về phía K., cô không trả lời tin nhắn của chồng, nhưng vẫn nắm tình hình tốt nhờ vào một người cùng phòng bệnh với ông xã. Cô thực sự muốn chồng phải tỉnh ngộ và nhận ra việc mình làm là rất sai trái.
Cuối cùng, chồng của K. phải gọi điện cho vợ xin lỗi tất cả vì đã nặng lời. Anh thực sự hối hận sau một khoảng thời gian dài đã thiếu tôn trọng vợ. Người phụ nữ cũng nói rõ với chồng: "Từ bây giờ, nếu anh còn xúc phạm, em và con sẽ không quan tâm anh nữa. Anh hãy cảm thấy may mắn vì em không bỏ rơi anh. Nếu em không quan tâm anh thì anh đã phải tự gọi đồ ăn vào viện rồi. Thôi bây giờ anh cố gắng để sớm ngày khỏe mạnh còn về với vợ con".
Như vậy, phụ nữ đôi khi hãy cao tay và thâm thúy một chút để dạy cho đối phương một bài học nếu cần. Đồng thời, bạn còn cần yêu bản thân, tránh việc nhẫn nhịn quá mức. Chúng ta càng nhún nhường, đối phương sẽ được đà càng nặng lời. Chỉ khi yêu bản thân, phụ nữ mới hiên ngang, ngẩng cao đầu và tìm ra được những giải pháp cải thiện chất lượng hôn nhân.