Chị tôi bị ung thư gan. Sau khi chị được hóa trị, tôi định cho chị uống thêm cây bìm bịp. Bác sĩ ơi, cây bìm bịp mọc ở đâu? Cây bìm bịp có công dụng gì, bệnh ung thư gan uống được không? Cách sử dụng cây bìm bịp là nhai lá tươi hay nấu thuốc?
(Phạm Thị Phương Vy, 32 tuổi, huyện Nhà Bè, TP.HCM)
Bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, cây bìm bịp (cây xương khỉ, cây mảnh cộng, u độn thảo) thuộc họ ô rô, có tên khoa học là Clinacanthus nutans.
Cây mảnh cộng có tác dụng chống viêm, giảm đau, thải acid uric, lợi tiểu, tăng sức đề kháng...
Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy một số hoạt chất trong cây bìm bịp có tác dụng kìm sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư. Tuy nhiên, cơ thể động vật thí nghiệm khác với cơ thể con người và điêu trị bệnh ung thư không chỉ có một cây thuốc mà cần liệu pháp tổng hợp và toàn diện mới có thể kiểm soát được bệnh.
Bác sĩ Võ Đình Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM tư vấn: cây bìm bịp là thảo dược không độc, có nhiều chất đạm, xơ, can xi và có chất béo, nên sử dụng như rau ăn, nấu canh.
Dù không có độc nhưng bìm bịp không phải cây thuốc trị ung thư. Tuy vậy, cây có nhiều chất dinh dưỡng nên có thể giúp bệnh nhân ung thư bồi bổ.
Người bệnh cần thận trọng vì cây bìm bịp khác với cây bìm bìm. Cây bìm bịp thân thảo, bông đỏ, còn cây bìm bìm là dây leo, màu tím, hạt đen, bông tím.
Cây dây leo bìm bìm