Tăm bông - nguyên nhân phổ biến gây chấn thương tai
Cụ thể, tại Mỹ, trong vòng hơn 20 năm qua, có 263.000 trẻ em phải cấp cứu do tự làm mình bị thương bằng tăm bông.
Theo số liệu một nghiên cứu trước đó, tại Anh, khoảng 7.000 người cũng được điều trị vì tai nạn do tăm bông mỗi năm. Những chấn thương này bao gồm vỡ màng nhĩ, mất thăng bằng và mất thính giác hoàn toàn.
Bác sĩ Simon Bare, bác sĩ phẫu thuật chuyên tư vấn về tai, mũi, họng tại Bệnh viện Spire Sussex (Anh) cho biết: "Không ít nạn nhân đã phải nhập viện vì thủng màng nhĩ do dùng tăm bông. Mối nguy hiểm thực sự xuất hiện khi bị ngã mà vẫn có tăm bông trong tai.
Tăm bông còn có thể gây tổn thương tới những xương nhỏ của tai. Ngoài ra, dùng tăm bông ngoáy tai còn có thể làm tổn thương xương bàn đạp - một trong những xương nhỏ của tai. Không những thế, tổn thương do tăm bông có thể dẫn tới bị điếc hoàn toàn. Những tổn thương này dù hiếm gặp nhưng vẫn có nguy cơ".
Một nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học thuộc Nationwide Children’s Hospital (Viện Nhi Toàn quốc, Mỹ) tiến hành cho thấy, trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010, 263.000 trẻ đã phải điều trị tại Mỹ do chấn thương liên quan tới tăm bông. Trung bình khoảng 12.500 trẻ bị thương mỗi năm và 34 trẻ bị thương mỗi ngày.
Phần lớn các chấn thương xảy ra sau khi dùng đầu tăm bông để làm sạch tai (73%), chơi với đầu tăm bông (10%) hoặc trẻ bị ngã trong lúc tăm bông vẫn còn trong tai, chưa lấy ra (9%).
Phần lớn các chấn thương xảy ra khi trẻ tự mình sử dụng tăm bông, chiếm tới 70%.
Cứ 3 bệnh nhân, lại có 2 trẻ nhỏ hơn 8 tuổi và bệnh nhân dưới 3 tuổi chiếm 40% trong tổng số các ca chấn thương.
Những chấn thương phổ biến nhất liên quan đến tăm bông là cảm thấy có gì đó bị tắc trong tai (30%), thủng màng nhĩ (25%) và chấn thương mô mềm (23%). Cảm giác có vật lạ là chẩn đoán thường gặp nhất trong nhóm trẻ tuổi từ 8 đến 17 tuổi. Còn thủng màng nhĩ là chẩn đoán thường gặp nhất ở trẻ độ tuổi dưới 8.
Gần như toàn bộ bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì những chấn thương liên quan đến tăm bông (99%) đều được điều trị khỏi và xuất viện.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tổn thương ở màng nhĩ, tai trong do dùng tăm bông gây ra có thể dẫn tới hiện tượng chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng và mất thính lực.
Hai hiểu lầm thường gặp khi vệ sinh tai
Kris Jatana, tác giả cao cấp của nghiên cứu đến từ Khoa Tai họng Nhi thuộc bệnh viện Nhi Nationwide (Mỹ), cho biết: "Hai hiểu lầm lớn nhất mà tôi thường nghe được là ống tai cần được làm sạch tại nhà và nên sử dụng đầu tăm bông để làm sạch tai. Cả hai đều không chính xác.
Ống tai thường tự làm sạch. Sử dụng đầu tăm bông để làm sạch không chỉ đẩy ráy tai vào gần màng nhĩ hơn mà còn có thể dẫn tới nguy cơ khiến tai bị chấn thương, từ mức độ nhỏ tới mức độ nghiêm trọng".
Bác sĩ Baer cũng nhấn mạnh, cách tốt nhất để giữ sạch tai là để yên cho chúng tự làm nhiệm vụ của mình. Nhưng có một số lượng nhỏ người dân do ráy tai quá nhiều cần đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị. Bác sĩ Baer bổ sung: "Không nên đưa bất cứ vật gì lớn hơn một ngón tay trỏ vào tai. Một số người có lượng ráy tai quá nhiều thì nên tìm kiếm trợ giúp từ bác sĩ hoặc y tá có kinh nghiệm".
Theo bác sĩ Baer, cách làm sạch tai do bác sĩ tiến hành là sử dụng một ống để bơm nước vào tai, giúp làm sạch ráy tai ra ngoài. Một biện pháp điều trị khác là dùng một thiết bị nhỏ để hút ráy tai ra khỏi tai.
Bố mẹ lưu ý cách chăm sóc tai cho trẻ nhỏ:
- 90% trẻ em không cần lấy ráy tai bởi nó sẽ tự bong ra ngoài. Vì vậy, khi vệ sinh tai cho bé, mẹ chỉ cần dùng khăn mềm làm sạch vành tai và phần ống tai bên ngoài.
- Không nên sử dụng bông tăm, những dụng cụ vệ sinh tai có đầu nhọn hoặc bằng kim loại để vệ sinh tai cho trẻ.
- Trong trường hợp ráy tai không tự bong ra ngoài, có thể nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào tai bé để giúp ráy tai mềm và tự bong ra.
- Khi phát hiện trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường ở tai, cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà.