Chẳng hiểu sao người ta lại dùng đến hai từ: đàn bà - phụ nữ, rồi rối chuyện phân biệt. Như tôi, “đàn bà” mang ý nghĩa phân biệt giới tính nhiều hơn (đàn ông - đàn bà). Với những gì có vẻ trân trọng hơn, người ta hay dùng “phụ nữ”.
Ví dụ, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; chứ có ai gọi ngày quốc tế đàn bà hay ngày đàn bà Việt Nam đâu; càng không ai mắng ai là “cái đồ… phụ nữ” cả. Mọi người cứ việc phản đối, vì đó chỉ là cảm nhận của tôi thôi.
Còn cũ đương nhiên là cái gì đã dùng rồi, không còn giá trị như ban đầu. Thậm chí, quần áo cũ, bàn ghế cũ may ra còn dùng được, chứ bàn chải đánh răng cũ hay đồ nội y… đã cũ là chỉ có vứt đi thôi. Họa chăng, đồ cũ, với những điều cộng thêm, có phần giá trị tinh thần, nhưng chỉ với một ai đó từng gắn bó và yêu thương nó như một kỷ niệm.
Thế rồi cũng chẳng biết ai đó và từ lúc nào đó đã ghép “đàn bà” với “cũ” vào nhau. Dạo gần đây, cụm từ ”đàn bà cũ” được nhắc đi nhắc lại trên Facebook khá nhiều, khiến nhiều người phải thắc mắc: đàn bà cũ là gì vậy? Đàn bà là người mà, có phải đồ dùng đâu mà mới với cũ.
Xưa nay, cái gì có sự sống, có thở, có lớn, có trao đổi khí chất với sự sống xung quanh, thậm chí chỉ như con chó, con mèo hay cây cỏ, có ai lại gọi là cũ đâu; huống hồ là con người, huống hồ là đàn bà - những sinh vật cực kỳ mỏng manh, cực kỳ tinh tế và cực kỳ yêu thích làm mới mình, dù có khi chỉ là thay chiếc áo mới, cái nón mới, cọng dây cột tóc mới…
Cũng trên mạng, chị em ra sức giải thích cho nhau hiểu và cái nghĩa thông thường nhất thì đàn bà cũ có nghĩa là đàn bà… đã dùng rồi, không còn giá trị như thời con gái. Từ đó, nhiều người xếp đàn bà đã qua một đời chồng, từng đổ vỡ, tổn thương, sứt mẻ vào nhóm đàn bà cũ. Nhưng cũ là cũ với ai? Chắc chỉ cũ với người đã dùng rồi, đem vứt bỏ hay người đang tiếc của nhặt lại, xài mót, tận dụng; chứ chẳng lẽ lại là cũ với chính mình.
Không biết cách gọi “đàn bà cũ” hay ho, chính xác đến cỡ nào mà nhiều người thích nó thế, đến mức được dùng nhiều như “hot trend” (xu hướng). Hàng loạt chị em, già có, trung niên có; thậm chí gái còn trẻ, hai mấy ba mươi tuổi, xinh tươi mơn mởn, phải ly hôn; tự dưng lên mạng gọi mình là đàn bà cũ.
Tất nhiên, kèm với lời tự nhận mình cũ, họ phất cao ngọn cờ rằng, em cũ nhưng em mạnh mẽ, em kiên cường này kia. Dù sao, cách họ tự gọi mình là đàn bà cũ, tôi vẫn nghe thấy sự yếm thế, tủi hổ, nhọc nhằn và có phần... rẻ rúng; bởi một khi đã nhận mình là đồ cũ thì có làm gì cũng chỉ như đánh vẹc-ni lại món đồ đã bỏ.
Tôi có một người bạn, lỡ rơi vào cảnh sa cơ thất thế ở xứ người; trong khi ở Việt Nam, cô từng là đại gia. Một lần, đi ngang nơi người ta để rác, cô thấy họ bỏ cái tủ nhựa mấy tầng còn dùng được, chỉ nứt vài chỗ.
Cô lôi chiếc tủ về nhà, dùng băng keo dán lại; vừa làm nước mắt vừa rơi lã chã. Cô bạn tôi đã rất mạnh mẽ, can đảm lắm mới có thể kéo một cái tủ cũ bỏ đi về nhà, trước mắt bàn dân thiên hạ. Thế nhưng cảm giác tủi thân vẫn cứ tràn đầy. Ngay khi có khả năng hơn, cô đã vứt béng cái tủ cũ, mua một cái mới đẹp đẽ hơn.
Trên mạng còn lan truyền cả một bài hát mang tựa đề Đàn bà cũ, có những lời y như tôi vừa viết trên. Kiểu như đàn bà cũ “chẳng còn vẹn nguyên, tâm hồn rách nát, con tim xơ xác”… Rồi thì “thôi không mơ ước chi nữa, hạnh phúc là hư vô”, “đàn bà cũ giống một loài hoa rơi cánh… họ cần lắm một người đàn ông…”.
Chưa thấy người đàn bà nào hát bài này. Đa phần người ta share về trang của mình giọng hát của một chàng trai rất trẻ, đầy tự sự, rên rỉ về chuyện đàn bà cũ. Nghe thật lạ khi bảo cô ấy chả còn mơ ước gì nữa, chả tin vào hạnh phúc nữa, nhưng lại cần một người đàn ông. Thật khó hiểu!
Cuối cùng, cũng không ít chị em trên Facebook, sau khi hỏi nhau thì phản đối, chê bai kịch liệt cái kiểu sướt mướt tự gọi mình là đàn bà cũ, xong gạt nước mắt, liêu xiêu đứng dậy bước đi. Trong số họ, có người từng đổ vỡ, cũng có người chưa từng vấp ngã trong hôn nhân. Họ bảo họ ghét cái từ đàn bà cũ.
Họ là họ, không cũ, không mới gì cả. Khi trải qua đổ vỡ, họ nhận ra những sai lầm của mình ở đâu đó và sửa chữa sai lầm ấy. Tình yêu của họ vẫn đầy ắp trong tim. Kẻ nào không nhận ra, chối bỏ, phản bội thì kẻ đó không xứng đáng. Họ giữ nó lại, lấy lại và để dành đó, nuôi dưỡng, tiếp tục chờ người xứng đáng mà trao. Họ vẫn đầy đủ giá trị của mình, chẳng hề là món đồ xài lại, dù với bất cứ ai. Tôi cũng nghĩ vậy.