Khốn khổ về đêm
Anh Nguyễn Văn Hà (Thường Tín, Hà Nội) tâm sự anh mắc phải căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến anh mất ăn, mất ngủ. Theo anh Hà, lúc nào anh cũng ho, tức ngực đi khám khắp nơi không ra bệnh nhiều khi nghĩ mình bị ung thư khiến anh Hà tuyệt vọng.
Anh Hà cho biết cứ đến đêm tầm 12h đêm anh không ngủ nổi, cổ rát bỏng, tức ngực, khó thở và anh phải ngồi dậy dễ chịu hơn. Có đêm, anh cứ đi đi lại lại trong nhà như bóng ma. Lúc ấy, anh còn đang làm tận Lai Châu càng khó phát hiện bệnh hơn.
Vợ con anh động viên anh về Hà Nội khám và khi đi khám ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ phát hiện anh bị trào ngược dạ dày thực quản.
Từ khi biết rõ bệnh và "sống chung với lũ", anh Hà đỡ lo lắng và mệt mỏi hơn. Mỗi lần đi khám anh lại gặp nhiều người mắc bệnh giống anh và ai cũng kêu than cứ về đêm là họ khó cịu vô cùng.
Theo TS BS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trào ngược dạ dày thực quản là bệnh phổ biến nhất của đường tiêu hoá. Bệnh có tính chất dai dẳng, khó chữa, dễ tái phát, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh.
Ở người bình thường, thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng dịch vị và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản nhưng không gây ra hậu quả gì. Hiện tượng này diễn ra thường xuyên gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng thì gọi là trào ngược dạ dày thực quản.
Theo bác sĩ Hằng, mọi người đều có thể mắc bệnh này tuy nhiên trào ngược thực quản dạ dày thường gặp ở những người thừa cân, béo phì, phụ nữ đang mang thai, người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, người bị thoát vị cơ hoành, làm việc trong môi trường kéo dài, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị trào ngược thực quản dạ dày.
Dấu hiệu trào ngược
Thông thường, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản sẽ có 6 triệu chứng tiêu biểu. Bác sĩ Hằng cho biết người bệnh luôn cảm thấy:
- Nuốt khó, nuốt vướng.
- Hôi miệng, hỏng men răng.
- Ợ chua, ợ nóng, buồn nôn
- Nóng rát ở phía sau xương ức
- Đau tức ngực, ho hen
- Đau viêm họng.
Theo bác sĩ Hằng, nếu trào ngược thực quản không biết và điều trị tích cực bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là ung thư thực quản. Biến chứng đầu tiên là chảy máu và rò thực quản. Biến chứng thứ hai chít hẹp thực quản là tăng quá trình viêm, phù nề, xơ hoá thực quản dẫn đến tình trạng nuốt vướng, nuốt khó.
Đặc biệt, trào ngược thực quản gây ra biến chứng barrett thực quản là tình trạng bất thường của thực quản và có xu hướng tăng nguy cơ ác tính và được cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản.
Những người bị trào ngược dạ dày thực quản nếu không điều trị tích cực thì dễ dẫn đến ung thư thực quản khi tuổi trên 50. Ở những người cao tuổi, trẻ em bị trào ngược thực quản dễ dẫn tới nguy cơ viêm phổi do dịch trào ngược gây ra.
Bác sĩ Hằng nhấn mạnh khi có các triệu chứng lâm sàng như nóng rát, trào ngược, đau xương ức người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám bệnh và nếu có điều kiện khám chuyên khoa tiêu hoá là tốt nhất.
Bác sĩ có thể nội soi phát hiện tổn thương viêm thực quản say đó bằng công nghệ hiện đại sẽ nhuộm màu ảo cho phép xác định tổn thương chẩn đoán chính xác hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đo điện thế niêm mạc được tiêu hoá trên.
Vì khi axit từ dạ dày trào ngược lên sẽ làm tổn hại niêm mạc của thực quản do điện thế của niêm mạc thực quản góp phần khẳng định tình trạng viêm niêm mạc thực quản ở người bị trào ngược thực quản.
Thay đổi lối sinh hoạt cũng là cách cải thiện giảm tình trạng trào ngược. Bác sĩ Hằng cho biết người bệnh nên kê đầu giường lên cao khoảng 30cm sẽ giúp làm sạch thực quản tốt hơn. Những người béo giảm cân là biện pháp hữu ích vì sẽ giảm triệu chứng trào ngược.
Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cũng không nên mặc quần áo chật, không nằm sau khi ăn, không cúi gập người sau ăn. Hạn chế sử dụng rượu, thuốc lá và không nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ.
Hạn chế ăn thức ăn có mỡ động vật, socola, hành, một số thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế phó giao cảm, kích thích giao cảm, theophylline và nitrat làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới.
Không nên dùng đồ ăn ảnh hưởng đến niêm mạc thực quản như cam, quýt, cà chua, cà phê, trà, các thuốc aspirin, thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tetracyclin, quinidine, kali.