Nếu như nỗi sợ hãi đó chỉ xuất hiện với tần suất ít thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên có một số trẻ ám ảnh cả một thời gian dài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Dưới đây là một số gợi ý giúp con bạn vượt qua nỗi sợ hãi vào ban đêm.
1. Coi trọng nỗi sợ hãi của con bạn.
Đừng gạt bỏ hay trêu chọc nỗi sợ hãi của bé. Mặc dù đối với người lớn thì nỗi sợ này có vẻ ngớ ngẩn nhưng đối với tâm hồn bé bỏng của bé, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Trách nhiệm của bạn là giúp con cảm thấy an toàn và được bảo vệ, đồng thời giúp bé tự tin hơn cùng trang bị kỹ năng đối phó. Nếu con bạn kể cho bạn nghe về một điều gì đó đáng sợ khi đi ngủ, hãy hỏi con chi tiết hơn. Bạn nên dùng các câu hỏi mở để trẻ tự giãi bày nỗi lo lắng đó.
2. Khi bạn hiểu rõ nỗi sợ của trẻ là gì, hãy cho con biết con đang an toàn.
Nếu nỗi sợ hãi đó chính là sự lo lắng chia ly, nghĩa là bé lo lắng sẽ không nhìn thấy bạn khi thức dậy, hãy trấn an con trẻ rằng bạn sẽ xuất hiện vào sáng hôm sau, nói về những dự tính bạn sẽ làm cùng bé vào ngày mai để dỗ dành bé suy nghĩ tích cực. Nếu bé sợ một thứ gì đó có thật có thể xảy ra bất chợt như hỏa hoạn, lốc xoáy, hãy trấn an trẻ rằng đó chỉ là chuông báo khói trong nhà hoặc thông báo thời tiết để cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm. Giải thích cho bé hiểu đó là chuyện diễn ra bình thường mà mọi người đều theo dõi để giữ an toàn. Nếu nỗi sợ là thứ gì đó trong tưởng tượng như quái vật, hãy trò chuyện với bé rằng quái vật không có thật ngoài đời, hỏi bé xem đã từng thấy một con quái vật lái xe hơi hay đi xe đạp trên đường hay ở trường chưa.
Sẽ không hay cho lắm nếu bạn giả vờ kiểm tra quái vật dưới gầm giường hoặc xua đuổi quái vật. Chiến thuật này có thể làm bé hiểu lầm rằng quái vật có thật và lo lắng tự vệ phòng khi quái vật xuất hiện.
3. Tạo thói quen dễ chịu và thoải mái cho trẻ trước khi đi ngủ
Tập cho trẻ thói quen cần tập trung vào giờ đi ngủ và ngừng những hoạt động vui chơi hằng ngày và sẵn sàng để nghỉ ngơi. Không cho bé xem tivi, xem phim vào giờ đi ngủ để bé không bị ám ảnh những hình ảnh đáng sợ bé thấy ngay khi tắt đèn đi ngủ. Đọc cho bé nghe những câu chuyện khi ngủ là ý tưởng hay, tuy nhiên không nên kể những câu chuyện cổ tích có các nhân vật phản diện đáng sợ như bà phù thủy, những con rồng…Một cách xoa dịu tinh thần cho bé nữa là xoa chân, lưng, nói chúc ngủ ngon với búp bê, đồ chơi hoặc một vật giúp bé an tâm khi ngủ cùng như gấu bông. Bạn có thể dùng âm nhạc để tạo thói quen ngủ hàng đêm cho bé như một thông báo đã đến giờ đi ngủ. Nhạc không lời nhẹ nhàng chẳng hạn, sẽ giúp trẻ ngủ sâu và đánh lạc lướng khỏi những mối lo lắng đáng sợ kia.
4. Làm các bước trấn an cho bé thấy rằng bạn đang ở gần và canh chừng bé.
Một số điều cơ bản để trấn an bé như một chiếc đèn ngủ để căn phòng không bị bóng tối che phủ hết. Cho phép bé mở cửa hay đóng chặt theo sở thích bé để bé yên tâm và thoải mái với giấc ngủ. Một thiết bị theo dõi (nursery monitor) có thể sẽ hữu ích để bé bớt lo lắng vì bé sẽ yên tâm khi biết rằng cha mẹ đang dõi theo chúng và xuất hiện kịp thời.
5. Nói về nỗi sợ hãi ban ngày và gợi ý kỹ năng đối phó cho bé
Vào ban ngày, hãy tận dụng cơ hội trò chuyện với bé về nỗi sợ bóng tối. Chỉ dẫn bé một số cách giảm lo lắng khi khó ngủ như hít thở sâu và chậm, thả lỏng toàn thân hoặc tưởng tượng phòng ngủ như một bãi biển hay sân chơi của trẻ một cách chi tiết.
Với sự hỗ trợ từ cha mẹ, hầu hết các bé đều vượt qua được nỗi sợ hãi vào ban đêm. Tuy nhiên có một số ít trường hợp bé cảm thấy nỗi sợ tăng nhiều hơn hoặc bị chấn thương trong đời thật khiến bé bị ám ảnh, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa hoặc các nhà tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Nguồn: https://childdevelopmentinfo.com/development/deal-childs-bedtime-fears/#.XJsux8kzbIU