Mì Quảng là đặc sản mang đậm chất đặc trưng của dải đất lắm nắng nhiều mưa, của cái chi, mô, răng, rứa… là lạ mà cũng đầy thân thương.
Theo dấu chân của những người đi mở đất, dọc theo các chuyến tàu buôn của thương cảng Hội An mì Quảng đã dọc dài qua nhiều miền quê đất nước. Chắc nhiều người đã được thưởng thức sợi mì dai trắng mịn, nước nhưn đậm đà hương vị. Nhiều người một lần nếm trải hương vị thơm ngon đều muốn được tận tay chế biến những tô mì Quảng “made in home” nhưng không nhiều người biết được cách chế biến đậm chất Quảng cho món ăn này.
Điều làm nên hồn cốt ở tô mì Quảng gói gọn trong ba sản vật: mì, rau trái ăn kèm và nhưn. Phần mì thì đã sẵn có ở những hàng chuyên bán mì Quảng ta có thể sẵn mua. Đối với rau ăn kèm phải là rau sống chuối cây, mà phải xắt từ cây chuối sứ vừa ngọt, vừa giòn, rau húng quế, ít cải con và phải có miếng chanh và trái ớt xanh ăn kèm. Phần nhưn có nhiều cách chế biến, giản đơn nhất và phổ biến cho nhiều người ăn cũng như dễ chế biến tại nhà đấy là nhưn tôm thịt. Phần tôm chọn những con tôm đất vừa ăn chắc thịt, thịt lợn cắt miếng vừa ăn. Đem ướp với gia vị vừa ăn, đặc biệt phải có củ nén (còn gọi là hành tăm) thì mới đúng chất mì Quảng.
Dầu phi nóng già, phi thơm củ nén, cho phần tôm thịt ướp thấm vào xào chín. Cho nước sôi vào nấu sôi vài dạo khoảng 10 phút cho nước nhưn đậm đà. Sẽ ngon hơn nếu nấu nước xương vì phần nhưn sẽ ngọt vị tự nhiên.
Cho mì vào tô, chan phần nước nhưn nóng hổi vào, kèm theo ít rau sống, vắt miếng chanh, phần bánh tráng giòn tan. Tất cả dường như hòa quyện tuyệt hảo. Có những sản vật sinh ra đã dành cho nhau và món ăn sẽ vơi đi phần đậm đà nếu thiếu miếng ớt xanh cay giòn. Vừa xuýt xoa cay nồng, vừa đượm hương tôm thịt, rau sống giòn ngọt, sợi mì dai dai; tất cả dư vị ấy sẽ đượm mãi để mì Quảng không chỉ ấm tình người dân Quảng thân thương mà nhắc nhớ đến cả sự nồng nàn trong hồn quê đất Việt…