Đau lưng hay đau xương chậu là nỗi ám ảnh với nhiều thai phụ, thường xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ khi thai lớn, tạo nhiều áp lực lên phần cột sống lưng, hông, xương chậu và các cơ xung quanh.
Bác sĩ Paul D’Alfonso, Giám đốc Phòng khám Maple Healthcare (TP HCM) khuyến cáo thai phụ bên cạnh việc thăm khám điều trị, cần thay đổi thói quen và lối sinh hoạt hàng ngày.
Điều chỉnh tư thế
Thủ phạm lớn nhất gây ra những cơn đau mỏi cho bà bầu là do tư thế sai. Thai phụ nên điều chỉnh lại các tư thế hàng ngày, trong lúc ngồi, đứng, nằm.
Ngồi
Sử dụng một chiếc gối sau lưng để tựa, giữ cho vai và cột sống luôn thẳng. Có thể ngồi trên gối lõm hình chữ D. Không khom lưng khi ngồi, không nên ngồi quá lâu. Động tác nghiêng hông 5-10 lần sau mỗi 20 phút ngồi làm việc cũng là một cách trị đau lưng cho bà bầu hiệu quả.
Đứng
Đảm bao giữ vai và cột sống thẳng trong mọi tư thế. Đứng thẳng lưng bằng cách gập vai lại và nâng lồng ngực lên. Tưởng tượng như có sợi dây kéo lưng ra sau để chống lại việc đổ trọng tâm cơ thể ra phía trước do trọng lượng của thai nhi, để lưng và hông luôn thẳng hàng. Cả khi đứng hay đi bộ cũng nên duy trì tư thế này, di chuyển nhẹ nhàng tránh trượt ngã. Thư giãn sau mỗi 20 phút để lưng được nghỉ ngơi.
Nằm
Trong những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể nằm nghiêng trái hay nghiêng phải, sao cho thoải mái. Khi bụng ngày càng lớn dần, nên nằm nghiêng sang trái để hạn chế các áp lực lên tử cung, hạn chế sự chèn ép các mạch máu nuôi lớn ở bên phải giúp cho tuần hoàn và sự vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ đến bé được diễn ra liên tục, thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
Mẹ bầu không nên nằm ngửa trong thời gian này, có thể làm nghẽn sự lưu thông máu đến thai nhi gây nguy hiểm cả mẹ và bé. Để trị đau lưng các bà bầu cũng nên trang bị những chiếc gối thiết kế cho bà bầu dùng để kê đằng trước, đằng sau lưng.
Lựa chọn trang phục và giày dép thích hợp
Khi mang thai, trong lượng cơ thể tăng dần. Mang giày cao gót có thể làm tăng gánh nặng lên cột sống của bà bầu, nguy cơ trượt ngã và tổn thương đến thai nhi.
Trong những tháng cuối, tử cung lớn dần chèn ép lên các động mạch gây nên hiện tượng sưng phù, nên hạn chế mang dép xỏ ngón. Nên chọn giày bệt, quai rộng sẽ tốt hơn.
Thai phụ không nên mặc quần áo bó sát. Chọn trang phục vừa vặn để tạo sự thoải mái.
Hoạt động nhẹ và tăng cường thể dục
Trong thời gian mang thai, nên tránh mang vác nặng để đảm bảo an toàn cho bé. Khi cần nâng một vật dưới sàn lên, ngồi xổm và nâng lên nhẹ nhàng. Tuyệt đối không khom lưng để nhấc vật lên. Khi cần thay đổi tư thế, bà bầu nên đứng lên và quay về vị trí cần, tránh vặn lưng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến cột sống.
Phụ nữ mang thai nên thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ trong nhà như đi bộ, đạp xe, yoga.. giúp trị đau lưng và xương chậu hiệu quả.