Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại chuẩn bị bày biện mâm ngũ quả để cúng giao thừa và những ngày Tết. Tuy nhiên chọn loại quả nào để làm mâm ngũ quả ngày Tết, cách bày trí ra sao, ý nghĩa, phong tục riêng của từng vùng miền như thế nào không phải ai cũng biết.
Mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa bao trùm là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên.
Mâm ngũ quả thông thường gồm 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau. Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt trong năm mới sẽ đạt ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang, ninh. 5 màu sắc thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương đưa về kính lên tổ tiên. Năm màu sắc này cũng tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Hiện nay trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc là chỉ có 5 loại quả, mà có thể có tới 7, 9... loại quả, nhưng phải là số lẻ.
Cách chọn các loại trái cây để bày mâm ngũ quả cũng khác nhau tùy từng vùng miền. Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường bày 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau theo Ngũ hành.
Chẳng hạn, miền Bắc thường bày 5 loại quả có 5 màu khác nhau như: chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm (sapôchê) hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.
Ở miền Nam, các loại quả trong mâm ngũ quả khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, cầu mong sự thịnh vượng.
Chẳng hạn, những mâm ngũ quả thường thấy ở miền Nam gồm các loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các tên “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”. Một số người dân miền Nam thường kiêng kỵ những trái cây mang ý nghĩa xui rủi như chuối (chúi nhủi, nguy khó), lê (lê lết), cam (cam chịu)…
Ở miền Trung, người dân không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Người miền Trung và miền Nam không quan trọng chuyện chọn số quả lẻ hay chẵn để bày mâm ngũ quả.
Tuy nhiên ngày nay vấn nạn thực phẩm rau quả bẩn đã trở thành nỗi lo lắng của mọi nhà nên mâm ngũ quả thời hiện đại còn có thêm một tiêu chí mới nữa đó là hoa quả sạch, an toàn. Song không phải thời điểm cận Tết loại trái cây nào cũng có thể mua được hàng sạch, an toàn, để chín tự nhiên nên những loại trái cây được chọn cho mâm ngũ quả đa dạng hơn. Ở miền Bắc, ngoài chuối, cam quýt, mận đào, lê, nho, táo, các bà nội trợ có thể chọn các loại quả như bưởi, dưa hấu, lê-ki-ma, xoài, ổi, khế hoặc một số loại hoa quả nhập ngoại như kiwi, lê Hàn Quốc... để thay thế vài trong những loại quả trên.
Quan trọng là phải chọn được hoa quả tươi, sạch. Muốn chọn hoa quả tươi sạch thì bạn cần tìm mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch, hoặc mua tận vườn nhà dân, mua mối quen biết tin tưởng. Tốt nhất bạn nên chọn hoa quả theo mua, thuần Việt, chọn quả già nhưng còn xanh, ương và để chín tự nhiên. Với hoa quả nhập ngoại phải mua ở những cửa hàng uy tín.
Một điều đang lưu ý nữa là phải chọn loại quả già nhưng đang xanh hoặc ương, vì mâm ngũ quả thường để ít nhất từ chiều 30 tới hết ngày mùng 3 Tết, có nhiều nhà để tới ngày mùng 5-7 Tết nên nếu chọn quả chín thì khi hạ mâm, hóa vàng, quả đã thối ủng.
Trước khi bày biện trái cây lên mâm ngũ quả thì cần phải rửa qua và lau khô luôn để quả không bị dính nước mà nhanh hỏng, nhanh héo. Với hoa quả sạch hái trong vườn nhà có thể chỉ cần lấy khăn mềm lau qua cho sạch.
Khi mua hoa quả để ăn luôn có thể bạn sẽ chọn quả nám nhiều, lỗ chỗ sâu, héo, xuống nước để cho ngon, sạch, tuy nhiên khi chọn hoa quả cúng, đặc biệt để bày mâm ngũ quả ngày Tết thì bạn phải họn quả chắc, tươi, không trầy xước, không có vết sâu, hạn chế vết nám, quả phải còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.