Chị Khánh và anh Thắng có con đầu lòng sau gần 10 năm kết hôn, vì vậy nên em bé được cưng nựng hết sức. Hai tháng đầu, chị Khánh luôn lấy lý do sợ hai vợ chồng nằm cạnh con sẽ khiến bé ngột ngạt nên chị đuổi chồng sang phòng khác ngủ để hai mẹ con chị nằm riêng một phòng.
Tuy nhiên, hết 3 tháng rồi đến 6 tháng, chị Khánh vẫn không cho chồng vào nằm cạnh mình vì sợ ảnh hưởng đến con.
"Nhịn" mãi đến khi nhớ vợ không chịu được, anh Thắng chờ con ngủ say rồi mon men vào ngủ với vợ lại chị Khánh bị đuổi ra ngoài. Anh bế thốc chị sang phòng mình, nhưng "loay hoay" đến gần nửa tiếng hai vợ chồng vẫn không thể "lâm trận" bởi vùng kín của chị Khánh quá khô. Nghĩ rằng có lẽ do anh quá đột ngột khiến vợ chưa sẵn sàng nên anh Thắng đành nhấm nháy với vợ để sang hôm sau.
Nhưng hôm sau và nhiều hôm sau nữa, chị Khánh vẫn ở trong tình trạng "chưa sẵn sàng". Bản thân chị Khánh cũng thấy hoang mang không hiểu vì sao cơ thể mình lại trở nên như vậy. Càng lo lắng, chị Khánh càng thấy tình trạng không muốn gần gũi chồng càng tăng lên, thậm chí chị còn thấy sợ mỗi khi chồng "đòi hỏi".
Còn anh Thắng, sau nhiều lần tạo bối cảnh lãng mạn như nhờ ông bà sang trông con để hai vợ chồng dành trọn thời gian bên nhau cả đêm hay đưa vợ đến khách sạn nơi hai người nghỉ tuần trăng mật… nhưng chị Khánh vẫn nhăn nhó kêu đau mỗi khi hai vợ chồng "gần gũi" hoặc thái độ muốn anh nhanh kết thúc… đã khiến anh mất hết cảm hứng.
Để giải quyết nhu cầu sinh lý, anh Thắng quyết định ra ngoài tìm "gái lạ". Chị Khánh biết sau vài lần vô tình giặt quần áo thấy có bao cao su trong túi quần của chồng. Mặc dù vậy, chị cũng đành nuốt nước mắt vào trong, âm thầm đến bệnh viện khám mà không dám tra hỏi chồng bởi chị biết chị không làm được những thứ anh mong muốn.
Theo Ths.BSCKI Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng khoa Khám phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tình trạng phụ nữ bị "khô hạn" sau sinh như chị Khánh không hề hiếm.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, như: Nồng độ nội tiết tố tăng mạnh trong quá trình mang thai để giúp cho sự phát triển nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh. Nồng độ hormone Estrogen và Progesterone trong cơ thể của người phụ nữ bắt đầu trở lại bình thường trong vòng 24 giờ sau khi sinh em bé. Sự thay đổi nồng độ hormone này là nguyên nhân chính gây khô hạn.
Ngoài ra, trong thời kỳ nuôi con, cho con bú, hormone Prolactin được sản xuất ra gây ức chế việc sản xuất hormone Estrogen. Trong quá trình chăm sóc con nhỏ phụ nữ thường xuyên gặp tình trạng căng thẳng, stress, khi tình trạng này kéo dài sẽ gây ức chế Estrogen.
Estrogen là một hormone rất quan trọng đối với phụ nữ giúp các tế bào tuyến ở cổ tử cung tiết chất bôi trơn tự nhiên cho âm đạo. Khi cơ thể thiếu Estrogen sẽ gây nên tình trạng khô hạn ở phụ sau sinh và một số triệu chứng giống phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tóc khô xơ và gãy rụng.
Để khắc phục chứng "khô hạn" sau sinh, các chuyên gia y tế khuyên các sản phụ nên bổ sung thực phẩm có hàm lượng cao Isoflavone - một loại flavonoid có cơ chế hoạt động và chức năng gần giống như hormone Estrogen ở nữ. Khi bổ sung thực phẩm có hàm lượng cao Isoflavones sẽ cải thiện được những tình trạng do suy giảm hormone Estrogen. Một số thực phẩm có hàm lượng Isoflavones cao như: anh đào, đậu nành, cần tây, các loại hạt và thực vật họ đậu…
Ngoài ra, nên ăn thêm các thực phẩm giúp làm tăng chất bôi trơn tự nhiên, giảm trình trạng khô hạn như: súp lơ, nấm, thịt, hoa quả, rau xanh, cá thu, cá hồi, cá ngừ… để hỗ trợ cải thiện chứng khô hạn.