Các đợt Covid-19 lặp đi lặp lại khiến hàng triệu người thiệt mạng. Chỉ vaccine mới giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Nhưng giờ đây, nCoV đang trở lại, tiến hóa với khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch, gia tăng số ca mắc và nhập viện.
Phiên bản tồi tệ nhất của virus - BA.5 - là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đại dịch còn lâu mới kết thúc.
“Xâm chiếm” thế giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dòng phụ mới nhất của Omicron - BA.5 và BA.4 - đang khiến số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng lên. Chỉ sau 2 tuần, số ca mắc mới tăng thêm 30%.
Ở châu Âu, các chủng phụ của Omicron chiếm tỷ lệ đột biến trong các ca mắc mới (25%). Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cho rằng con số thực tế thậm chí còn cao hơn.
BA.5 cũng đang "xâm chiếm" Trung Quốc, dấy lên lo lắng các thành phố lớn sẽ lại rơi vào trạng thái phong tỏa khi mới chỉ được dỡ bỏ gần đây.
Và cũng chính BA.5 trở thành chủng thống trị ở Mỹ, chiếm 65% số ca mắc mới vào tuần trước, theo số liệu của theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
"Chúng tôi đã theo dõi sự phát triển nhanh chóng của virus này, lên kế hoạch và chuẩn bị cho thời điểm hiện tại. Và thông điệp mà tôi muốn gửi đến người dân Mỹ là BA.5 đang được theo dõi chặt chẽ và quan trọng hơn cả, chúng tôi biết cách kiểm soát nó", tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc họp báo.
Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết Covid-19 vẫn là tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu - mức cảnh báo cao nhất, được tuyên bố lần đầu tiên vào ngày 20/1/2020. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các ca bệnh gia tăng, virus đột biến và áp lực ngày càng nhiều với hệ thống y tế vốn đã rất căng thẳng.
Những thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt với Covid-19 đó là nhiều nước bỏ qua xét nghiệm, giải trình tự bộ gene virus thiếu hụt trầm trọng. Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ chính xác, khả năng giám sát BA.5.
Các nhà dịch tễ học cho biết số ca nhiễm thực sự ở Mỹ cao hơn nhiều so với con số chính thức khiến quốc gia này đối mặt điểm mù quan trọng. Bởi biến chủng nCoV dễ lây truyền nhất vẫn tồn tại. Một số chuyên gia cho rằng có thể có tới 1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong dân số Mỹ, cao gấp 10 lần con số chính thức.
Để kiểm soát làn sóng mới, TS Jha kêu gọi tất cả người Mỹ từ 50 tuổi trở lên tiêm mũi tăng cường thứ hai. Những người được tiêm chủng thường ít phải nhập viện hơn. Song, tại Mỹ, chỉ khoảng 1/4 người dân trên 50 tuổi tiêm mũi tăng thứ thứ hai theo khuyến nghị.
Các quan chức y tế Mỹ đang khẩn trương lên kế hoạch cho phép tiêm mũi tăng cường thứ hai cho tất cả người lớn. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại khả năng miễn dịch của người trẻ có thể suy giảm khi các ca mắc Covid-19 gia tăng, BA.5 thống trị làn sóng dịch bệnh.
Điều gì khiến BA.5 khác biệt?
GS Eric Topol, bác sĩ tim mạch, chuyên gia y học phân tử tại Scripps Research, đã gọi BA.5 là "phiên bản tồi tệ nhất của loại virus mà chúng ta từng thấy".
Ông giải thích: "Nó có khả năng thoát khỏi miễn dịch, vốn đã mở rộng, lên cấp độ mới. Khả năng lây truyền cũng được nâng cao, vượt xa các phiên bản trước đó của Omicron".
Nói cách khác, BA.5 có thể dễ dàng né tránh khả năng miễn dịch ở người đã tiêm vaccine hoặc khỏi Covid-19, khiến nguy cơ tái nhiễm nCoV của họ tăng lên nhiều lần. Biến chủng này dường như không dẫn đến bệnh nặng hơn, song, trong cuộc phỏng vấn với CNN, TS Topol cho biết với mức độ né tránh miễn dịch của BA.5, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng các ca nhập viện như những gì đã xảy ra ở châu Âu.
"Điều tích cực là nó dường như không đi kèm nguy cơ nhập viện ICU, tử vong như các biến chủng trước đó. Nhưng điều này chắc chắn đáng lo", ông nói thêm.
Sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc giám sát Covid-19 trên toàn thế giới đang cản trở nỗ lực của các nhà dịch tễ học khi họ chạy đua để theo dõi sự tiến hóa của virus.
"Các dòng phụ của Omicron, như BA.4 và BA.5, tiếp tục thúc đẩy làn sóng ca bệnh, nhập viện và tử vong trên khắp thế giới. Việc giám sát đã giảm đáng kể - bao gồm cả xét nghiệm và giải trình tự - khiến việc đánh giá tác động của các biến chủng với lây truyền, đặc điểm bệnh tật, hiệu quả của các biện pháp đối phó ngày càng khó khăn", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: "Các đợt virus mới chứng tỏ một lần nữa, đại dịch Covid-19 chưa bao giờ kết thúc".