Chính quyền địa phương ở Anangu Pitjantjatjara Yankunytjatjara (APY), vùng tây bắc Australia cho biết, đã phê chuẩn quyết định này và sẽ gửi trực thăng tới để giết 10.000 con lạc đà trong chiến dịch kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ 8/1. Trước đó, cộng đồng dân cư trong khu vực nhiều lần phàn nàn việc lạc đà hoang dã xâm chiếm đất đai của họ để tìm nước uống.
"Nhóm lạc đà cực lớn và các động vật hoang dã gây áp lực lên cộng đồng thổ dân khi chúng tìm kiếm nước. Với điều kiện khô hạn hiện tại, một lượng lớn lạc đà đang đe họa cuộc sống và cơ sở hạ tầng APY bởi vậy việc kiểm soát lạc đà là cần thiết", thông báo cho biết.
Lạc đà hoang trên sa mạc Simpson, Australia. Ảnh: News.
CNN cho hay, các tay súng chuyên nghiệp trên trực thăng sẽ tiêu diệt đàn lạc đà. Kế hoạch này nằm trong nỗ lực kiểm soát số lượng loài vật này ở khu vực hẻo lánh phía tây bắc của South Australia. Mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như bang New South Wales láng giềng, tiểu bang này cũng phải hứng chịu những trận cháy rừng xé toạc đất nước, các thành phố phủ trong khói và quần thể động vật hoang dã bản địa bị tàn phá.
Marita Baker - thành viên hội đồng chấp hành APY - nới với tờ The Australian rằng người dân đã bị cô lập vì các động vật tràn vào để tìm kiếm nước uống. "Chúng tôi bị mắc kẹt trong điều kiện ngột ngạt khó chịu vì lạc đà liên tục mò tới, phá đổ hàng rào, lang thang quanh nhà và tìm cách tiếp cận nguồn nước qua điều hòa không khí", cô nói.
Vùng APY nằm ở khu vực xa xôi của South Australia, có dân cư thưa thớt với khoảng 2.300 người - chỉ bằng một tiểu bang Kentucky (Mỹ). Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết có hơn 1 triệu con lạc đà hoang dã ở Australia. Số lượng lạc đà tăng nhanh, mở rộng rơi sinh sống, bao gồm đất trang trại ở các quận vẹn biển phía đông nam Western Australia.
Lạc đà đang gia tăng ở Australia. Ảnh: CNN.
Lạc đà là loài động vật du mục trên sa mạc, chúng chịu đựng được trong nhiệt độ cao và cháy rừng. Nhiều con di cư khỏi những nơi khô hạn, tiếp cận con người để tìm nước uống trong nỗ lực tuyệt vọng tìm cách sinh tồn.
Cháy rừng không phải điều xa lạ với một quốc gia thường xuyên hạn hán như Australia. Nhưng thảm họa này đang ngày một dữ dội và có sức tàn phá trầm trọng hơn trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu. Các vụ hỏa hoạn lan rộng, tiếp tục tàn phá bang New South Wales và Victoria khiến 500 triệu con vật bị chết cháy, theo ước tính của các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney. Hỏa hoạn tàn phá 1/3 đảo Kangaroo, nơi NASA gọi đó là 'một thảm kịch sinh thái'.