Nghi ngờ bé đã nuốt nhiều miếng khác, người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu chiều 28/5. Lúc này, bé quấy khóc, khó thở, miệng nhiều đàm nhớt, nôn ói, không bú hay uống gì được.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết kíp cấp cứu đã hỗ trợ hô hấp, cho bé thở oxy. Hình ảnh chụp X-quang cổ, ngực, bụng phát hiện các mảnh kim loại nằm rải rác trong dạ dày, ruột bé. Chụp CT ngực bụng thấy rõ khoảng 5 mảnh kim loại, di chuyển, nằm rải rác từ ruột non đến ruột già.
"Rất khó khăn cho các bác sĩ ngoại khoa và nội soi xác định vị trí dị vật để gắp ra, hoặc mổ lấy ra", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Các bác sĩ nhiều chuyên khoa hội chẩn, chờ 24 giờ cho bé xổ bằng thuốc và bơm hậu môn để dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên. Trong quá trình theo dõi, nếu bé có biểu hiện bất thường như đau bụng, chướng bụng, ói máu, tiêu ra máu hay biểu hiện thủng ruột, kíp nội soi, phẫu thuật can thiệp ngay để lấy dị vật.
May mắn, trong 24 giờ bé đi tiêu ba lần. Mỗi lần đều ra được 2-3 miếng kim loại là mảnh vụn dao lam kích thước rất nhỏ, đường kính khoảng 2-4 mm, tổng cộng 7 miếng. Sau đó bé được chụp X-quang ngực bụng kiểm tra, không còn thấy dị vật nữa.
Theo bác sĩ Tiến, hiện bé tỉnh táo, không biểu hiện đau bụng, ói hay xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, bé vẫn cần được tiếp tục theo dõi cho đến khi không còn thấy mảnh kim loại nào theo phân.
Bố bé làm nghề dán keo điện thoại, xe gắn máy nên thường xuyên sử dụng dao lam bẻ nhỏ để thao tác công việc. Dùng xong, bố gói lại bỏ vào thùng rác trong nhà, chưa kịp mang đi đổ thì bé tìm đến.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần có người trông, chăm sóc và theo dõi, tránh trẻ hiếu động, tò mò, gặp các tai nạn đáng tiếc như bỏng, điện giật, té xô, té hồ nước hòn non bộ, uống nhầm thuốc, hóa chất, nuốt dị vật...