Bắp hay còn gọi là ngô, là một trong những loại ngũ cốc rất được ưa chuộng. Nó không chỉ ngon, rẻ mà còn giàu dinh dưỡng. Khoa học đã chứng minh, bắp chứa đến 80 dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Trong đó, nổi bật nhất bao gồm chất xơ, vitamin, protit, đường, tinh bột, dầu béo, khoáng tố và các chất chống oxy hóa.
Nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng cao mà bắp được chế biến đa dạng thành nhiều món khác nhau. Và sữa bắp chính là một trong những món tráng miệng được nhiều người yêu thích.
Vậy tác dụng của sữa bắp là gì? Có nên uống chúng mỗi ngày? Để tìm được đáp án cho câu hỏi này thì cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Tác dụng của sữa bắp
Sữa bắp thường được làm từ những hạt bắp tươi, có vị ngọt béo, sánh mịn và hương thơm rất đặc trưng. Nhiều gia đình thường sử dụng loại sữa này vì giàu dinh dưỡng nhưng lại không quá hiểu rõ về công dụng của chúng. Dưới đây là một số công dụng của sữa bắp mà bạn nên biết.
Sữa bắp tốt cho hệ tiêu hóa
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thành phần chính trong ngô là tinh bột, do đó rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Một quả ngô có thể cung cấp đến 23% lượng chất xơ mà cơ thể cần nạp vào mỗi ngày. Bắp khi luộc ăn thông thường hoặc nấu thành sữa đều rất có lợi cho những người bị táo bón, bệnh trĩ.
Ngoài ra, sữa bắp còn giúp ngăn ngừa các bệnh về đường ruột, giúp ổn định đường huyết và điều hòa lượng cholesterol trong cơ thể.
Sữa bắp giúp sáng mắt
Trong bắp có chứa hàm lượng lớn vitamin A (beta carotene) một chất rất cơ lợi cho mắt. Bên cạnh đó, sữa bắp còn giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa hoàng điểm gây mù ở người lớn tuổi nhờ vào hai thành phần chính là lutein và zeaxanthin.
Thường xuyên bổ sung sữa bắp vào thực đơn thức uống của gia đình sẽ giúp bảo vệ và cải thiện thị lực rất tốt.
Sữa ngô có tác dụng với não bộ
Có thể nói, tăng cường sức khỏe não bộ là một trong những tác dụng của sữa bắp. Hàm lượng lớn vitamin B1, B5 và B3 có trong ngô sẽ giúp giảm tình trạng căng thẳng ở não bộ. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh alzheimer ở người cao tuổi.
Tác dụng của sữa bắp trong điều chỉnh lượng mỡ trong máu, phòng ngừa bệnh tim mạch
Theo nhiều nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trung bình trong mỗi trái bắp sẽ cung cấp 10% lượng axit folic, folate và 18,9% lượng niacin cần thiết cho nhu cầu cơ thể.
Những chất này có tác dụng ngăn ngừa xơ cứng động mạch và phòng ngừa cơn đau tim, đột quỵ. Tuy nhiên, so với sữa bắp thì những hạt ngô còn nguyên vẹn sẽ hiệu quả hơn trong quá trình ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch.
Tác dụng của sữa ngô với bà bầu và người thiếu máu
Axit folic là một chất có sẵn trong bắp, rất tốt cho sức khỏe thai phụ và những người thường hay thiếu máu. Chất này có tác dụng rất lớn giúp ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh ở ống thần kinh thai nhi.
Ngoài ra, lượng vitamin C dồi dào trong bắp cũng giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống bệnh cảm cúm thông thường.
Tác dụng của sữa bắp trong tăng cường hoạt động ruột già
Như đã đề cập ở trên, trong bắp có chứa một lượng lớn chất xơ, nhiều hơn cả gạo trắng, mì và sữa. Tương tự như những chất xơ không hòa tan có trong rau củ, chất xơ không bị hấp thụ trong sữa bắp cũng sẽ góp phần tạo ra chất bã, kích thích thành ruột sinh ra nhu động ruột. Từ đó làm giảm khả năng tiếp xúc của các chất gây ung thư tới niêm mạc ruột.
Bên cạnh đó, chất xơ có trong bắp cũng kích thích các tế bào nhầy của ruột già, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên men. Những vi khuẩn có ích sẽ được sản sinh, giúp khoang ruột ẩm và trơn hơn. Nhờ vậy mà phân di chuyển được dễ dàng.
Ngoài những công dụng phổ biến trên, trong bắp còn chứa một lượng lớn vitamin E giúp chống oxy hóa tốt, nhuận da, điều hòa nội tiết ở phụ nữ, chống rối loạn kinh nguyệt, vô sinh.
Có nên dùng sữa bắp mỗi ngày?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dùng bắp ở dạng hạt nguyên sẽ tốt hơn khi nấu thành sữa. Vì sữa đã bị loại bỏ bớt một phần dinh dưỡng tốt như chất xơ và các vitamin. Thỉnh thoảng, cách từ 2 đến 3 ngày bạn mới nên dùng 1 lần, mỗi lần chỉ khoảng 200ml.
Nếu chế biến sữa bắp tại nhà, bạn cần chú ý đến việc điều chỉnh lửa và thời gian sôi. Nấu không đúng cách sẽ làm các chất dinh dưỡng có trong bắp bị thay đổi.
Lưu ý sữa bắp nấu tại nhà, nên dùng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh nhiều nhất là 2 ngày. Vì thế để tránh lãng phí, bạn chỉ nên nấu một lượng vừa phải đủ dùng cho gia đình.
Mặc dù sữa bắp tốt cho sức khỏe, nhưng nếu kiên trì uống mỗi ngày hoặc uống quá ngọt sẽ dễ gây ra béo phì, sâu răng, tăng đường huyết, tăng lượng cholesterol và triglyceride. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, thiếu máu và suy giảm sức đề kháng cũng trở nên cao hơn.
Cách làm sữa ngô tăng cân cho bé
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500 gram hạt bắp Mỹ
- 200 ml sữa tươi không đường
- 20 gram đường trắng
- 200 gram sữa đặc
Hướng dẫn cách nấu sữa ngô tăng cân cho bé
- Bắp mua về lột sạch vỏ, râu. Rửa sạch với nước và tách lấy hạt. Phần râu bắp, cùi và cả lụa non bên trong đều giữ lại. Cột gọn và cho qua một bên.
- Chuẩn bị một nồi sạch, bắc lên bếp, thả cùi, râu và vỏ lụa bắp non vào. Châm thêm 1 lít nước. Nấu lửa lớn đến khi sôi, vặn nhỏ lại và để khoảng 30 phút thì tắt bếp. Dùng rây lọc lấy phần nước trong, bỏ xác.
- Hạt bắp sau khi tách ra, cho vào máy sinh tố, trút phần nước luộc hỗn hợp râu và cùi bắp vào, xay thật nhuyễn.
- Dùng miếng vải sạch, mềm, cho hỗn hợp bắp vừa xay vào lọc lấy nước. Lưu ý vắt thật mạnh tay để tránh lãng phí. Cho hỗn hợp vừa lọc xong vào nồi, bật bếp đun. Khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp vừa sôi thì tắt bếp. Không để sôi sùng sục, sẽ làm sữa bắp mất hết chất dinh dưỡng.
- Cho 20 gram đường, 200 gram sữa đặc và 200 ml sữa tươi vào khuấy đều. Đến khi đường tan hết là có thể uống. Món sữa bắp này uống lạnh hoặc nóng đều ngon. Tuy nhiên đối với trẻ em, nên dùng nóng để tốt cho sức khỏe.
Có thể thấy, tác dụng của sữa bắp đối với cơ thể là vô cùng to lớn. Tuy nhiên cần chú ý lạm dụng quá mức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe... Vì thế, bạn chỉ nên uống sữa bắp từ 2 đến 3 lần một tuần để mang lại hiệu quả cao hơn.