Lần thứ ba Katherine gọi người kỹ sư đến xem bình nóng lạnh của mình, ông hỏi cô có sử dụng phần mềm điều chỉnh nhiệt độ không. Cô chợt nhớ mình không cài đặt phần mềm này, nhưng chồng “sắp” cũ của cô thì có.
Bình nóng lạnh của cô gần đây tự nhiên làm nước nóng cực điểm giữa mùa hè và tự động tắt sau mỗi 30 phút vào mùa đông. Xâu chuỗi các sự kiện, cô biết chồng mình đã sử dụng phần mềm này để hành hạ mẹ con cô: “Trời lạnh cóng, con gái tôi bị cảm lạnh làm tôi thắt cả tim”.
Người chồng hai mươi năm của cô đã ngoại tình, bỏ lại cô và hai con gái sau khi vét sạch tài khoản trong ngân hàng. Trong suốt sáu tháng làm thủ tục ly hôn, anh ta đã sử dụng sự liên kết cuối cùng còn sót lại với vợ cũ - các thiết bị điện tử được điều khiển từ xa - để khủng bố cô.
Katherine là một trong số các nạn nhân của các vụ bạo hành “thông minh” ngày càng tăng. Các thiết bị này được chế tạo để nâng cao chất lượng và đơn giản hóa cuộc sống, nhưng chúng lại đang được sử dụng để làm điều ngược lại khi mối quan hệ vợ chồng không còn mặn nồng.
Ai trong số chúng ta cũng đều phấn khích khi thấy gia đình được an toàn và kết nối chặt chẽ hơn với các thiết bị, như chuông cửa thông minh, camera an ninh, loa nghe nói Amazon Echo và Apple HomePod. Nhưng câu chuyện của Katherine đã cho thấy mặt trái của các thiết bị này là chúng ta tự đặt mình vào sự kiểm soát và theo dõi.
Sian Hawkins, đại diện tổ chức từ thiện hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo hành Women’s Aid nói: “Đây là thái độ thao túng tinh thần kiểu mới, làm tình hình kiểm soát và ép buộc trở nên cực xấu, khiến phụ nữ cảm thấy họ không còn lối thoát”.
Vì các thiết bị này vẫn còn mới mẻ nên chưa có con số chỉ ra dạng bạo hành này, ngoại trừ một vụ kết án được ghi nhận: tháng 7/2018, chuyên gia điện tử Ross Cairns bị vào tù 11 tháng vì đã theo dõi vợ cũ bằng iPad gắn vào tường.
Tuy nhiên, các hiệp hội phụ nữ đã cho thấy các vụ bạo hành kiểu này ngày càng tăng: một phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, bị chồng dùng phần mềm điều chỉnh nhiệt độ để làm trầm trọng thêm các cơn nóng trong người của cô. Mary, nhân viên tư vấn trên điện thoại của Women’s Aid cho biết: “Các kẻ bạo hành thường tìm đủ mọi cách để kiểm soát người phụ nữ trong mối quan hệ, họ muốn điều khiển và lấy đi sự độc lập của người phụ nữ”.
Sau khi kết hôn, Claudia mang thai, bị cô lập khỏi bạn bè và gia đình, bị phụ thuộc về kinh tế và bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác.
Cô nhớ lại những lần bị chồng mắng vì đã tô son và không giữ nhà cửa sạch sẽ. Anh ta thức cả đêm để đánh mắng cô, rồi sáng hôm sau lại xin lỗi và hứa sẽ sửa đổi. Khi đã đủ tự tin, Claudia quyết định ly hôn. Những tưởng sẽ thoát khỏi những năm tháng đau khổ, suốt thời gian làm giấy tờ ly hôn, cô vẫn còn bị chồng bạo hành qua cái chuông cửa.
Khi họ bắt đầu chung sống, anh ta cài đặt chuông cửa với camera và loa cho phép người sử dụng có thể nghe, nhìn và nói chuyện với người ngoài cửa qua một phần mềm. Tuy nhiên, anh ta lại không chia sẻ thiết bị này với vợ. Mỗi khi Claudia nhắc, anh ta luôn có lý do để lảng tránh.
Cho đến khi họ chia tay, cô mới phát hiện cái chuông cửa vẫn còn đó. Anh ta sử dụng nó để kiểm soát xem ai đến thăm cô, theo dõi mỗi khi Claudia đi về, và cũng để anh ta có thể vào nhà bất cứ khi nào Claudia có ở đó. Claudia cho biết đây là phương tiện duy nhất còn sót lại để anh ta có thể khống chế và đe dọa cô, nó cho cô cảm giác như cách các kẻ giết người hàng loạt hay quay lại hiện trường để quan sát.
Đã có các dự thảo về vấn đề “bạo hành online”, tuy nhiên vẫn còn các kẽ hở chưa bàn đến. Ví dụ, vì luật bảo vệ thông tin cá nhân, các hãng điện tử sẽ không tiết lộ hay nói chuyện với ai khác ngoài người đăng ký dịch vụ, dù cho người đó là thủ phạm vụ bạo hành. Trong trường hợp của Katherine, vì tên cô không có trong hợp đồng, rất khó để cô giải quyết vấn đề tận gốc khi không có sự đồng ý của chồng cũ.
Claudia thì cho rằng các bạo hành qua thiết bị thông minh của chồng cũ là phần “hậu khuyến mãi” sau những năm tháng đã bị khủng bố tinh thần lên đến cực điểm. Vấn đề bạo hành “thông minh” rất khó nhận dạng và càng khó hơn để nạn nhân thoát khỏi chiếc vòng kim cô.
Đó là lý do để Kez Garner thiết lập Công ty Cyber Care, hỗ trợ các nạn nhân về mặt kỹ thuật và tinh thần, bao gồm cả viết báo cáo để trình cảnh sát và luật sư. Garner nhận định các dạng bạo hành này như thể có người đang núp trong nhà mặc dù không có ai vào nhà bạn cả.
Có khách hàng kể lại, con cô được tặng một chiếc ti vi thông minh, nhưng sau đó cô phát hiện ra nó chính là thiết bị theo dõi cô. Một khách hàng khác chỉ dùng chung phần mềm Just Eat để đặt thức ăn với người cũ và anh ta đã dùng nó để chế nhạo cô.
Thông thường các nạn nhân chọn cách giã từ hẳn các thiết bị thông minh, nhưng Garner khẳng định đó không phải là cách hay: “Nó càng tăng thêm sức mạnh và cảm giác chiến thắng cho thủ phạm. Anh ta thu hẹp và cô lập cuộc sống của nạn nhân”.
Theo Lyndsey Dearlove, Giám đốc phong trào chống bạo hành Says No More ở Anh chia sẻ: “Các thiết bị thông minh trong nhà đều có khả năng biến chỗ ở của bạn thành môi trường không an toàn, các phụ nữ bị tấn công bằng cách này đều cảm thấy như cuộc sống của họ bị khủng bố liên tục”.