Đã gần hai chục năm nhưng BS. Nguyễn Thế Lương còn nguyên ấn tượng về ca cấp cứu đó.
Lúc ấy khoảng gần 10 giờ tối. Bệnh nhân còn rất trẻ và có vẻ rất hoảng hốt. Khám hiện trường, bác sĩ nhìn thấy ngay ở gốc dương vật có... một cái nhẫn vàng. Bảo bối bị thít chặt đã chuyển sang màu xám và thân chủ đang trong tình trạng đau đớn khủng khiếp. Làm thế nào để lôi được chiếc nhẫn đó ra? Trong đầu BS. Lương nhanh chóng gạch ra các phương án. Thoạt đầu, bác sĩ định dùng cưa y tế để cưa nhẫn nhưng vừa chạm vào đã thấy không ổn vì nó sẽ không tránh khỏi làm tổn thương thằng nhỏ đang sưng vù. Bác sĩ chuyển sang bôi paraphin rồi đeo găng vào tay, kéo dần ra. Tuy nhiên, vừa thử kéo bệnh nhân đã rú lên, không chịu nổi. Tình thế khá cấp bách, bác sĩ quyết định xả máu, dương vật xẹp xuống may ra mới giải phóng được vật thể lạ kia ra.
Tư vấn: ThS.BS. Nguyễn Thế Lương.
Nhưng, kim tiêm thuốc tê vừa chạm vào gốc dương vật, chàng trai khốn khổ đã kêu như bò rống - bác sĩ không có từ khác để tả tiếng kêu đau đớn này. Không làm cho bệnh nhân tê liệt cảm giác thì không thể tiến hành các bước tiếp theo được, bác sĩ đề nghị gây mê. Cứ tưởng là người ta đang cơn đau đớn thế sẽ bám lấy giải pháp này như thể chết đuối vớ được cọc, ấy thế mà không, bệnh nhân không đồng ý gây mê. Lý do anh ta đưa ra thật vớ vẩn, ít nhất là trong tình thế nước sôi lửa bỏng thế này: hết tiền.
Cuối cùng bác sĩ quyết định dùng hỗn hợp vừa gây tê vừa co mạch. Không dùng kim 20 như dự định ban đầu mà dùng kim 18 để xả máu. Kết hợp với tiếp tục bôi paraphin, nửa giờ sau chàng trai trẻ đã được giải thoát khỏi... kiếp nạn. Nhưng lúc này, bảo bối cũng trầy trụa lắm rồi. Anh ta sẽ cần một thời gian không ngắn để có thể phục hồi lại tình trạng bình thường. Bác sĩ dặn anh phải qua viện thay băng hàng ngày, khoảng 1 tuần vết thương sẽ lành.
Vậy đấy, chỉ vì muốn gây ấn tượng mạnh với bạn gái, anh chàng tinh nghịch đã xỏ chiếc nhẫn vào của quý. Khi nó vụt lớn bồng lên, mới hay trò dại đã gây hậu quả khủng khiếp thế nào. Nếu không được nghe từ chính bác sĩ nam khoa điều trị cho bệnh nhân, chắc ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ đó là một tình huống chỉ có trong trí tưởng tượng.
Trong tương lai, nam khoa cần phải hình thành đơn nguyên cấp cứu
Câu chuyện mà BS. Nguyễn Thế Lương kể trên cũng đã khá lâu, thiết bị y tế ngày đó hiển nhiên không thể bằng được bây giờ. Nhưng giả dụ ở thời điểm hiện tại mà có bệnh nhân cấp cứu tương tự, bác sĩ nam khoa nước ta cũng vẫn chưa sẵn có bộ đồ cấp cứu chuyên dụng, khả dĩ có thể giải thoát cho bệnh nhân chỉ bằng một nhát cắt. Đơn vị chống thảm họa trong ngành y tế - một khái niệm có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng nó luôn tồn tại bởi cuộc sống cần phải thế. Ví dụ, kính xe ôtô kiên cố như thế nhưng trong y tế có loại bút chọc nhẹ vào là vỡ tan kính. Hoặc giả có những kéo y tế có thể cắt thép như cắt giấy. Trong trường hợp nạn nhân bị thanh sắt xuyên qua người chẳng hạn, nếu như ở ta thường là phải bê cả người cả sắt đến bệnh viện, ở Tây bác sĩ có thể cắt bớt thanh sắt luôn bằng một kìm y tế chuyên dụng.
Mặc dù nam khoa vẫn được hiểu là những căn bệnh điều trị trong thời gian dài, không thể gấp gáp - bảo bối không vội được đâu, nhưng không phải là không có những ca cấp cứu đòi hỏi không chỉ sự giỏi nghề, quyết đoán của bác sĩ mà cần cả những công cụ y tế hiện đại hỗ trợ. Chẳng hạn những ca xoắn tinh hoàn/ của quý gãy trong đêm/ súc vật cắn/ hay... người cắt... Tất cả đều cần phải được bác sĩ cấp cứu khẩn cấp, nối ngay may ra còn cứu được. Ở đây cũng cần sự hiểu biết của các bệnh nhân - nạn nhân, càng đến viện sớm sau tai nạn bạn càng có khả năng cao hồi phục các chấn thương. Chàng trai trong câu chuyện trên của BS. Nguyễn Thế Lương là một trường hợp đến viện khá muộn, bởi tai nạn đã xảy ra từ buổi trưa. Khi đó bác sĩ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong tác nghiệp.
Xuất phát từ thực tế thăm khám, BS. Nguyễn Thế Lương khẳng định, trong tương lai bộ môn nam khoa của nước ta cần hình thành một đơn nguyên cấp cứu, cho phép các bác sĩ có thể giải quyết nhanh gọn nhất những tai nạn, trong đó có những ca hi hữu mà thoạt nghe cứ tưởng như chuyện đùa.