Vì sao bà bầu bị nóng trong người?
Do nội nhiệt trong cơ thể mẹ tăng cao gây ra hiện tượng nóng trong khi mang thai. Biểu hiện thường thấy là: bà bầu thường xuyên có cảm giác khô miệng, khát nước, giấc ngủ kém không sâu, da dễ bị mụn trứng cá, có cảm giác nóng ở lòng bàn tay, bàn chân, thường xuyên táo bón, đi tiểu ít, dễ khô môi, bong tróc, chảy máu, dễ bị sốt.
Mẹ bầu bị nóng trong khi mang thai không những không tốt cho sức khỏe của mình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Bị nóng trong người bà bầu phải làm sao?
Uống nhiều nước để cơ thể không bị mất các chất điện phân
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ cần một lượng nước nhiều hơn mỗi ngày. Không chỉ tốt cho người bình thường, việc uống nhiều nước là cực kỳ có lợi cho mẹ bầu. Nó giúp cơ thể bạn không bị mất các chất điện phân, giúp bạn hạn chế chứng táo bón khi mang thai. Dù không khát, mẹ bầu cứ uống nước nhiều nhất có thể nhé.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể
Rau xanh và trái cây tươi là những thực phẩm rất tốt trong mùa nóng, không chỉ vì cung cấp các loại vitamin, chất khoáng và chất xơ mà còn chứa các thành phần chống oxy hóa và giúp tăng sức đề kháng. Trung bình mỗi ngày bà bầu nên bổ sung ít nhất 200 g trái cây và 300 g rau xanh các loại.
Rau trái ăn dưới dạng tươi sống và ăn luôn cả xác sẽ tốt hơn ép lấy nước uống. Các loại trái cây nhiều nước và ít ngọt như thanh long, bưởi, thơm, cam quýt, dưa gang… sẽ giúp hạ nhiệt tốt hơn các loại trái cây ngọt như chuối, mít, nhãn…
Chọn lựa thực phẩm giúp an thần để hỗ trợ tiêu hóa
Các thực phẩm có tác dụng an thần như hạt sen, củ sen, cũng giúp làm dịu các kích thích thần kinh nên giảm sự tạo thành nhiệt lượng trong cơ thể.
Ngoài ra, các loại ngũ cốc thô như đậu xanh, đậu đen, bo bo (ý dĩ)… ăn cả vỏ cũng là những thực phẩm giải nhiệt tốt, do cung cấp các vitamin nhóm B, E… và chất xơ làm thông thoáng hệ tiêu hóa.
Tránh các thực phẩm nhiều chất béo hay đồ ngọt để cơ thể được giải nhiệt tốt
Để không làm tăng thêm cảm giác nóng trong, bà bầu cần giảm tối đa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, da, lòng, nước cốt dừa… trong những ngày trời nóng bức.
Những loại thực phẩm ngọt như bánh kẹo, nước giải khát có đường, chè… hoặc các loại bột tinh chế như bột mì, nếp… cũng có thể làm gia tăng chuyển hóa, tăng hoạt động của các tuyến dưới da và có thể dẫn đến tăng nguy cơ mụn nhọt trong những ngày nắng nóng. Thay vào đó, mẹ nên ưu tiên các loại thịt trắng như cá, đậu hủ, thịt gà, vịt… hơn, so với thịt đỏ như bò, heo, dê, cừu, tôm, cua…
Mặc quần áo phù hợp
Hãy tạm biệt những bộ đồ bó sát vì nó vừa khiến cơ thể nóng bức lại vừa không tốt cho sức khỏe mẹ bầu. bạn nên chọn những bộ đồ rộng rãi và chất liệu vải thoáng mát.
Ngoài ra, một số bà mẹ tương lai có thể mặc đồ lót chật và bằng chất không phải cotton. Đây là lúc bạn cần chú ý hơn tới đồ lót của mình.
Giữ mát vào ban đêm
Phụ nữ mang thai thường bị đổ mồ hôi ban đêm. Thay đổi nội tiết khiến cơ thể tăng nhiệt tương tự như phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh. Khi ngủ, bạn hãy thử một chiếc gối làm bằng lông vũ và đảm bảo quần áo ngủ làm bằng chất cotton mềm mại.