Hoa hồng hay tình yêu là câu hỏi kinh điển mà hầu hết ai cũng phải đối mặt khi yêu. Hiếm có người được trọn vẹn cả đôi đường, đạt được cả hai thứ khi còn quá trẻ. Vậy cho nên, khi bắt buộc phải đưa ra quyết định, không ít người băn khoăn, do dự vì chẳng biết chọn sao mới đúng.
Tương tự, với câu hỏi “anh yêu em” hay “anh nuôi em” quan trọng hơn, mỗi người lẽ hiển nhiên đều có cho mình một sự lựa chọn riêng.
Chọn “anh yêu em” vì bản thân em có thể tự nuôi mình
Mảnh ghép còn thiếu mà một cô nàng có công ăn việc làm ổn định, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền luôn tìm kiếm là người khiến họ rung động, mang đến những cảm xúc chẳng bao giờ đổi lấy được bằng vật chất. Việc khoác lên người một bộ cánh hàng hiệu, cầm trên tay một chiếc túi đầy tiền vốn chẳng thể nào khiến bản thân thấy vui vẻ, hạnh phúc bằng việc có một anh chàng bên cạnh hết lòng yêu thương, chăm sóc từng li từng tí.
Vật chất đảm bảo cho người ta một tương lai đủ đầy, no ấm. Thế nhưng, thử nghĩ mà xem, có tiền mua hoa nhưng người tặng hoa chẳng có thì còn gì là ý nghĩa. Khi đói chỉ mong được bát cơm lùa vào miệng, lúc túng quẫn trong lòng chỉ nghĩ đến việc làm sao để có tiền. Ấy thế mà có ngày tin nhắn nhận lương cũng chẳng thể “sướng” bằng ba chữ “Ơi, anh đây”.
Người theo chủ nghĩa “anh yêu em” vốn chẳng đòi hỏi gì nhiều. Đó đơn giản là những lời hỏi han, những tin nhắn chúc ngủ ngon, chào buổi sáng. Khi họ cần, người ấy nhất định sẽ ở bên, chỉ một cuộc gọi thì bận gì đi nữa cũng lập tức “phi” ngay đến. Vậy thôi là đủ.
Chọn “anh yêu em” thì tình yêu phải đi kèm cùng hành động
Người ta vẫn luôn đánh giá cao kiểu con gái độc lập, tự chủ về kinh tế và dùng ánh mắt chẳng mấy thân thiện để nhìn những cô nàng sống dựa dẫm, lệ thuộc vào người yêu. Thế nhưng, có gì sai khi người ta kỳ vọng rằng người thật lòng yêu thương sẽ có khả năng chăm lo, giúp đỡ mình bằng hành động?
Nếu cho rằng phụ nữ lựa chọn “anh nuôi em” là tham lam, đề cao vật chất thì quả là cái nhìn đầy phiến diện. Thực tế là có không ít cô nàng sau khi lựa chọn “tình yêu” mới nhận ra rằng người yêu mình thật sự sẽ chẳng bao giờ để mình vật lộn với cuộc sống khắc nghiệt để giành về “mẩu bánh mì”. Tuổi trẻ qua đi, thanh xuân ở lại phía sau cũng là lúc mà nhiều người nhận ra rằng thứ làm họ hạnh phúc không phải là dòng tin nhắn hỏi “Em ăn chưa?” mà là sự xuất hiện của đối phương ngay lúc ấy.
Suy cho cùng, 3 chữ “anh nuôi em” giống như một lời cam kết. Một khi đã nói ra thì phải dùng hành động để chứng minh. Ngược lại, nếu không có khả năng thực hiện thì tốt nhất là đừng nên hứa. Dĩ nhiên, tin vào nó đồng nghĩa với việc đang đánh cược. Kết quả có thể là được yêu thương, chiều chuộng nhưng bị “đá” với hai bàn tay trắng cũng không phải là không có khả năng.