Chỉ với 5.000đ chúng ta sẽ có một đĩa rau muống luộc thơm ngon, nhưng ăn rau muống có tác dụng gì cho sức khỏe, chúng bổ dưỡng ra sao là câu hỏi luôn được nhiều người đặt ra. Thêm nữa, trong rau muống chứa nhiều thành phần mà không phải ai cũng nên ăn thường xuyên. Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về loại rau dinh dưỡng này qua bài viết dưới đây.
1. Giá trị dinh dưỡng của rau muống, ăn rau muống có lợi gì?
Trong các tài liệu Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, đem lại công dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa tình trạng táo bón, đái rắt. Người ta thường dùng rau muống để phòng và chữa một số loại bệnh thường gặp như thiếu máu, huyết áp cao, loãng xương, bổ sung dưỡng chất cho phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón,...
Theo trang The Star, cứ 100g rau muống sẽ chứa trong nó: 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin E, vitamin C, chất béo, các khoáng chất như sắt, kẽm, magie. Loại rau tuy có giá bình dân này lại đem đến nhiều lợi ích với sức khỏe, tốt cho tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường, điều trị thiếu máu hay hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch là những lợi ích của rau muống có thể bạn chưa biết.
2. 10 lợi ích mà rau muống mang lại cho sức khỏe
+ Cải thiện tình trạng thiếu máu
Sắt là khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể, đặc biệt là các tế bào máu đỏ đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì sự sống. Vì vậy, hàm lượng sắt cao trong lá rau muống sẽ rất có lợi cho những ai thường xuyên bị thiếu máu cũng như phụ nữ đang trong thời gian mang thai.
+ Giảm cholesterol xấu
Rau muống là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn giảm cân an toàn và hiệu quả. Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột đã cho thấy rằng rau muống còn giúp hạn chế các triglycoside (chỉ số mỡ máu).
+ Điều trị chứng khó tiêu và táo bón
Rau muống giàu chất xơ nên giúp hỗ trợ và điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa tự nhiên rất tốt. Đặc tính nhuận tràng của loại rau này đem đến nhiều lợi ích cho những người mắc chứng khó tiêu và táo bón. Thậm chí, chỉ riêng nước luộc rau cũng có thể chữa các loại bệnh này. Ngoài ra, rau muống còn được chỉ định sử dụng để điều trị nhiễm giun đường ruột rất hiệu quả.
+ Điều trị vàng da và các vấn đề về gan
Theo tờ Medical Health Guide, y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng rau muống để điều trị chứng vàng da và các vấn đề về gan. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn rau này thường xuyên sẽ giúp chống lại các hóa chất gây hại và làm chậm quá trình oxy hóa nhờ enzym giải độc, đồng thời loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể.
+ Bảo vệ tim
Có rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C và beta-carotene có trong rau muống. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa và cholesterol xấu.
Bên cạnh đó, folate có mặt trong rau muống còn giúp chuyển đổi các homocysteine, một loại hóa chất khi ở mức độ cao có thể gây đau tim, đột quỵ. Khoáng chất magie góp mặt trong rau muống giúp giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh tim.
+ Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Việc ăn rau muống thường xuyên được các chuyên ra cho rằng sẽ giúp kích thích phát triển của các chất đề kháng chống lại bệnh tiểu đường. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường ở phụ nữ đang mang thai.
+ Ngăn ngừa ung thư
Trong rau muống chứa đến 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau, thích hợp để phòng ngừa ung thư (dạ dày, trực tràng, vú, da). Các chất này có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, thay đổi điều kiện sinh sôi của các tế bào ung thư và giúp cải thiện môi trường tế bào tự nhiên.
+ Có lợi cho mắt
Có rất nhiều carotenoid, vitamin A và lutein trong rau muống, những dưỡng chất cần thiết này sẽ giúp bảo vệ đôi mắt. Nó cũng làm tăng nồng độ glutathione, một loại hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các dấu hiệu của đục thủy tinh thể.
+ Tăng cường miễn dịch
Ăn rau muống thường xuyên sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, thúc đẩy hệ xương và răng phát triển, góp phần tăng cường sức khỏe bằng cách trung hòa và loại bỏ độc tố.
+ Lợi ích sức khỏe khác
Ngoài những lợi ích nêu trên, việc bổ sung vào thực đơn các món ăn chứa rau muống còn giúp hỗ trợ điều trị đau răng, đau bụng kinh, chảy máu mũi,… Nó cũng là loại thuốc an thần cho những người thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, thúc đẩy nôn trong trường hợp bị ngộ độc. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thấm nước ép rau muống vào miếng gạc lạnh để hạ sốt.
3. Thường xuyên ăn rau muống có tốt không?
Đương nhiên là cái gì dù tốt đến mấy mà ăn quá nhiều đều không tốt. Việc ăn quá nhiều rau muống trong một thời gian dài, ăn thường xuyên, ăn thay thế những món ăn khác sẽ gây dư thừa dưỡng chất, chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, môi trường trồng loại rau này thường là nơi ao hồ nên rau muống dễ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như giun, sán lá gan.
Ký sinh trùng Fasciolopsis buski còn có thể xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ bám vào ruột, chui qua thành ruột và vào máu, từ đó làm cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Vì thế, quá trình sơ chế rau muống nên lưu ý cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.
Bạn cũng có thể tự tay trồng cho mình một vườn rau muống để bổ sung vào bữa cơm hằng ngày. Trồng rau muống không khó, bạn có thể tận dụng các chậu cây trong nhà, mua thêm giá thể và hạt giống. Khi trồng nhớ chọn nơi có ánh sáng và tưới nước thường xuyên để rau phát triển xanh tốt.
4. Những ai không nên ăn nhiều rau muống?
Các món ăn từ rau muống tuy rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, nhưng không đồng nghĩa với việc là chúng sẽ tốt cho tất cả mọi người. Dưới đây là những nhóm người nên hạn chế dùng rau muống trong khẩu phần ăn.
+ Người đang có vết thương hở
Với những ai không may đang chịu đau đớn bởi các vết thương trên da thì không nên ăn rau muống bởi chúng sẽ kích thích sinh tế bào gây sẹo, làm xấu da. Thậm chí, sẽ khiến cho chỗ da non mới hình thành bị ngứa nhiều hơn. Vì thế, bạn chỉ nên thưởng thức loại rau này sau khi vết thương đã khỏe hẳn, da đã lành lại.
+ Người mắc bệnh viêm khớp
Nếu bạn đang đau nhức xương khớp thì nên loại bỏ rau muống trong bữa cơm hàng ngày. Những dưỡng chất có mặt trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trở nên trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.
+ Người mắc bệnh gout, sỏi thận
Những người mắc chứng gout, sỏi thận, viêm nhiễm đường tiết niệu, người huyết áp cao cũng không nên ăn rau muống. Vì thế, khi nhận thấy có những biểu hiện khác thường của cơ thể sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay.
+ Người hệ tiêu hóa yếu
Loại ký sinh trùng sán lá tên Fasciolopsis buski rất dễ bắt gặp trong rau muống, chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn rau sống hoặc nấu rau chưa chín. Với những người có hệ tiêu hóa hoạt động yếu kém, loại ký sinh trùng này có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng.
+ Người đang uống thuốc
Nếu bạn đang phải điều trị một bệnh lý nào đó hoặc đang bồi bổ cơ thể bằng các loại thuốc Đông y thì không nên ăn rau muống. Các chất dinh dưỡng trong loại thực phẩm này có thể làm mất tác dụng, hiệu quả của thuốc khiến bệnh tình lâu khỏi hơn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi ăn rau muống có tác dụng gì đối với sức khỏe. Rau muống thực sự là loại thực phẩm cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng và giúp phòng tránh nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng và ăn chúng quá nhiều, điều đó sẽ không tốt tí nào. Ăn uống hợp lý sẽ luôn là chìa khóa để có sức khỏe tốt nhất.