Khổ vì ăn
Bệnh gout là một bệnh khớp sinh ra do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, dẫn đến tăng acid uric máu.
Tại Việt Nam, kinh tế phát trển kéo theo chế độ ăn uống, sinh hoạt người dân thay đổi theo. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh gout gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ bệnh gout trong dân số nói chung khoảng 0,2%.
Trong một nghiên cứu về mô hình bệnh tật tại khoa Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Bạch Mai trong 10 năm (1991- 2000), bệnh gout chiếm tỷ lệ 8% (so với trước đây là 1,5%), đứng hàng thứ 4 trong các bệnh khớp hay gặp tại khoa.
Theo các bác sĩ, gout có thể được điều trị và hạn chế tái phát nếu bệnh nhân tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân vẫn chưa được điều trị đúng cách. Theo ghi nhận, tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp nhận những trường hợp bị gout biến chứng do tự chữa hoặc mua thuốc về nhà uống.
Trường hợp của bệnh nhân Trần Văn T. (Bắc Từ Liêm) là điển hình. Ông T. cho biết ông bị bệnh gout hai năm nay nhưng trước thi thoảng nó mới đau và hơi sưng ngón chân cái.
Dù biết đây là bệnh cần phải được điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ định của bác sĩ, nhưng ông T. vẫn “không nhịn được mồm”. Cơ quan liên hoan có rượu, thịt chó hay hải sản ông không từ chối.
Đồng nghiệp nhắc, ông tặc lưỡi “thi thoảng mới ăn chẳng sao” mà nếu có đau “thì uống thuốc”. Lạ cái, sau hơn 1 năm mắc gout ông ít bị sưng tay. Ngỡ do uống thuốc nam do người quen mách khỏi bệnh nên ông càng chủ quan không kiêng khem gì.
Thế nhưng hai tháng nay, ông đau nhiều hơn. Cổ chân sưng tấy đỏ, bàn tay sưng húp khiến ông không thể đi lại, làm gì cũng khó khăn. Cấp tốc gọi lấy thuốc nam từng uống nhưng không hiệu quả. Ông không thể tự đi nổi, người nhà phải phải cõng đến viện.
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bệnh gout là một loại viêm khớp, khởi phát thường đột ngột, sưng, đau và viêm các khớp. Gần một nửa số trường hợp bệnh gút thường bắt đầu từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Các triệu chứng của bệnh xảy ra khi có quá nhiều acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội. Các cơn gout thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3-10 ngày.
Có tình trạng này, theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, là do 3 nguyên nhân: Do tăng sản xuất acid uric nội sinh; Do giảm đào thải acid uric ở thận; Ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản.
“Việc ăn uống tùy tiện khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường như thể tiến triển đến viêm khớp mãn tính, dẫn đến biến dạng khớp, hủy hoại khớp, suy thận”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh.
Những thực phẩm không được đụng đũa
Do đó bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trì, luyện tập cũng cần có một thực đơn hợp lý để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt hơn.
Cụ thể, muốn kiểm soát bệnh gout, cần kiểm soát nguyên nhân, trong đó cần giảm lượng purin ăn vào. Mặc dù theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng không có chế độ dinh dưỡng nào sẽ ngăn ngừa hoàn toàn cơn gout cấp, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn quản lý sức khỏe tốt hơn.
Ngoài ra, người mắc gout cũng cần duy trì cân nặng lý tưởng; thiết lập và tuân theo thói quen ăn uống lành mạnh; hạn chế thực phẩm có nhân purin; bổ sung các loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát nồng độ acid uric.
Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng những thực phẩm mà người mắc bệnh gout tuyệt đối tránh gồm:
Thức ăn và đồ uống có nhiều purin sẽ tăng nguy cơ bị cơn gout cấp, do đó nên tránh xa những loại thực phẩm: thịt đỏ, thịt cừu và thịt lợn; Nội tạng, phủ tạng như gan, thận, óc, lòng…; Hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ như tôm, trai, cá cơm và cá mòi;
Tránh các loại rau xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu; Các sản phẩm có hàm lượng fructose cao như soda và một số loại nước trái cây, kem, kẹo và đồ ăn nhanh.
Tránh uống rượu vì rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric. Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, cocticoid.
Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ acid uric.
Thay vào những thực phẩm cần tránh như trên, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng cũng chỉ ra những thực phẩm tốt cho người bệnh gout.
Theo đó, người mắc bệnh gout nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa tách béo; Trái cây tươi và rau quả, nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa... vì chúng làm giảm tình trạng viêm hiệu quả, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn;
Các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc; Chất béo, khoai tây, cơm, bánh mì và mì ống; Trứng (vừa phải); Các loại thịt như cá, thịt gà và thịt đỏ là tốt với lượng vừa phải (khoảng 100 - 120g mỗi ngày, tùy từng tình trạng của người bệnh);
Rau xanh các loại: súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gout bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành acid uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, người bệnh gout cũng nên uống nhiều nước mỗi ngày ( từ 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi…) và bổ sung vitamin C khoảng 500-1000mg mỗi ngày cũng có thể giúp giảm acid uric.
“Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng acid uric, tuy nhiên người bệnh vẫn cần tuân thủ uống thuốc để ngăn chặn các cơn gout cấp đồng thời cần đi khám định kỳ để cùng với bác sĩ tìm ra cách điều trị tốt nhất cho từng người bệnh”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng nói.