Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều gia đình đã dành thời gian đi tạ mộ, tưởng nhớ tới gia tiên và những người đã khuất về cùng con cháu đón Tết cổ truyền.

Ông Đinh Tùng Bách (52 tuổi, ở thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) có 2 phần mộ của bố và vợ đặt tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình.

Năm nay, ngoài những vật phẩm cần thiết trong lễ tạ mộ, ông Bách đã đặc biệt mang theo cây đàn để gảy trước mộ phần người vợ quá cố.

Khi vừa hoàn tất việc thắp nhang ở mộ phần của bố và vợ, ông Đình Tùng Bách (ở Lương Sơn, Hòa Bình) đã gảy đàn khúc nhạc mà lúc sinh thời bà yêu thích nhất. Ảnh: Bảo Minh

Gảy lên những khúc nhạc người vợ quá cố từng thích, ông bảo, chơi đàn ở nhiều nơi nhưng ở bên cạnh vợ vẫn là cảm xúc nhất.

Ngồi bên mộ phần vợ quá cố, ông Bách xúc động cho biết, vợ ông là bà Minh Loan. Trước khi mất, bà Loan từng là diễn viên, biên đạo múa. Năm 2017, bà Loan không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Thương người phụ nữ đầu ấp tay gối, ông Bách đã đèo vợ trên chiếc xe máy từ Hòa Bình đến khắp các bệnh viện ở Hà Nội để chữa bệnh, ròng rã hơn 4 năm.

Dù đã từng biểu diễn ở nhiều lễ hội, đám cưới... nhưng ông Bách cho biết, chơi đàn ở nhiều nơi nhưng ở bên cạnh vợ vẫn là cảm xúc nhất. Ảnh: Bảo Minh

Ông Bách kể: "4 năm, hai vợ chồng đồng hành cùng nhau trên chiếc xe máy từ quê xuống Hà Nội để chữa bệnh cho vợ. Đi hết viện này đến viện kia chỉ mong sao chữa được bệnh cho cô ấy. Chúng tôi đi nhiều đến nỗi hai vợ chồng thuộc từng ổ gà trên đường từ Hòa Bình xuống Hà Nội".

Ông Bách cho biết, trước nay, ông thường xuyền tham gia chơi nhạc cụ dân tộc ở các lễ hội, đám cưới và đây là lần đầu tiên ông đánh đàn ở nghĩa trang.

Truyền đi những khúc nhạc vợ thích, ông Bách mong mỏi ở "nơi ấy", vợ ông cùng những chân linh quá cố luôn được "an giấc". Ảnh: Bảo Minh

Với tâm niệm "trần sao, âm vậy" nên khi chơi nhạc ở nghĩa trang, ông Bách tin rằng khán giả không chỉ người vợ quá cố, mà còn rất nhiều người đang theo dõi từng khúc nhạc của ông.

Bởi vậy, truyền đi những khúc nhạc vợ thích, ông Bách mong mỏi ở "nơi ấy", vợ ông cùng những chân linh quá cố luôn được "an giấc".

Chia sẻ với phóng viên, Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tạ mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu. Tục lệ này cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay các nơi an táng sau thời gian dài đi làm ăn hoặc không về được. Nhân dịp đó mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tạ mộ.