Chiều 28/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức hội thảo "Cập nhật xu hướng mới trong điều trị ung thư vú" với sự tham gia của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong hệ thống và các chuyên gia nhằm chia sẻ những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị ung thư vú. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát biểu hội thảo.

Theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư thế giới - Globocan năm 2022, số ca mắc ung thư vú đang gia tăng đáng kể và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm tỉ lệ 28,9% tổng số ca ung thư ở nữ giới. Đây được được xem là loại ung thư có tỉ lệ sống còn cao (lên đến hơn 90%) nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Tại hội thảo, với đề tài "Tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị u vú", BS chuyên khoa I Phạm Cao Thành, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, giới thiệu một tiến bộ của y khoa hiện đại, bên cạnh các phương pháp sinh thiết thông thường. Trên mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có lựa chọn phương tiện sinh thiết tối ưu nhất cho người bệnh. Đơn cử như việc sử dụng phương pháp sinh thiết khối u có hỗ trợ chân không (VABB) để có chẩn đoán mô học với số mẫu mô lấy được nhiều hơn, vết sẹo mổ chỉ khoảng 6 mm.

BS chuyên khoa I Phạm Cao Thành, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tại Đơn vị Nhũ – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trước khi tiến hành điều trị đối với các trường hợp có chỉ định đoạn nhũ, các bác sĩ sẽ thực hiện tư vấn và lên kế hoạch cho quá trình phẫu thuật tái tạo vú nhằm xóa bỏ mặc cảm khiếm khuyết cơ thể, giúp phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống gia đình và giao tiếp xã hội.
Phẫu thuật tái tạo vú là một bước tiến quan trọng giúp mang đến hình dáng và kích thước ngực tương tự như ban đầu, với nhiều phương thức đa dạng từ vật liệu tái tạo (túi độn, vật liệu tự thân). Phẫu thuật này có thể được thực hiện đồng thời với phẫu thuật điều trị ung thư (tức thì) hoặc sau khi phẫu thuật (trì hoãn) tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và giai đoạn điều trị của người bệnh.

 

Sinh thiết ung thư vú tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Ung thư vú xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống. 

Việc tầm soát ung thư được thực hiện bằng các phương pháp như khám lâm sàng, siêu âm màu tuyến vú, chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú) hoặc MRI với thuốc cản từ thế hệ mới, giúp bác sĩ phát hiện, sàng lọc và đánh giá chính xác những tổn thương ở tuyến vú.