Xôn xao tin mẹ tử vong vì tắc tia sữa - hiện tượng phổ biến nhưng chớ coi thường
Mới đây trên mạng xã hội, rất nhiều bà mẹ bỉm sữa đã chia sẻ thông tin về một bà mẹ trẻ qua đời sau khi sinh con 2 tháng vì biến chứng nặng sau khi bị tắc tia sữa.
Bài đăng gốc được đăng tải trong một nhóm các mẹ bỉm sữa như sau:
"Xin chia buồn cùng gia đình em N.T.M.N. Đọc mà thấy xót xa bàng hoàng quá mọi người ơi... Tắc tia sữa diễn biến rất nhanh và không thể lường trước hậu quả. Xin các mẹ mới sinh và có con nhỏ hãy có những kiến thức thiết yếu để có thể xử lý kịp thời và không để những trường hợp đáng tiếc xảy ra với mình...
Em N là người em vô cùng dễ thương và đáng yêu, ngày trước bọn mình quen nhau vì em tặng mình sữa cho con bú. Vậy mà giờ này em ra đi mãi mãi chỉ vì tắc tia sữa.
Diễn tiến em bị tắc tia mình nắm rất rõ do ngày nào chị em cũng nói chuyện với nhau:
Ngày 23/10 em báo bị tắt tia sữa 2 ngày rồi, mỗi ngày em sốt mấy tiếng lại hết nên em chỉ vắt sữa tích cực và massage đồng thời nhờ bên thông tia sữa đến.
Ngày 24/10 em báo cục tắc còn chút xíu nhưng em vẫn đau và sốt.
Ngày 25/10 em đi bệnh viện khám. Bác sĩ cho em thuốc giảm đau và hạ sốt kháng viêm và không siêu âm. Hẹn 3 ngày sau tái khám.
Ngày 26/10 em sốt 39,8 độ, người nổi mẩn ngứa và nôn. Bênh viện nói em dị ứng kháng sinh và ngừng thuốc, em chỉ uống hạ sốt giảm đau và nói em massage tích cực. Các chỉ số siêu âm và xét nghiệm là bình thường. Và đó là lần cuối cùng mình được nói chuyện với em.
Em mất vì bị nhiễm trùng máu khi con gái em chỉ mới gần 2 tháng tuổi. Qua chuyện này cũng hi vọng các mẹ đừng chủ quan với tính mạng của bản thân, đừng sợ đi viện thì sẽ mất sữa, các mẹ bị tắc tia sữa mà có sốt cao thời gian từ 2 ngày hãy gác mọi việc gia đình lại, hãy để em bé của mình sang một bên và nhanh chóng đến bệnh viện uy tín chữa trị ngay lập tức nhé!".
Trên facebook cá nhân, anh P.N - chồng chị N. cũng xác nhận vợ mình đã qua đời và anh nhận được nhiều lời chia buồn, động viên từ bạn bè, người thân.
Câu chuyện trên đã khiến không ít bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ giật mình vì tắc tia sữa là hiện tượng khá phổ biến nên nhiều người còn coi nhẹ, thường tự chữa tại nhà bằng các phương pháp đơn giản hay thậm chí đắp lá không theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đầu năm nay, cũng đã có trường hợp mẹ Bình Dương phải cắt bỏ hết tứ chi do sốc nhiễm trùng máu mà nguyên nhân ban đầu chính là tắc tia sữa.
Tắc tia sữa nguy hiểm thế nào?
Tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc khiến sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Theo các chuyên gia, tắc tia sữa càng để lâu càng khiến người mẹ phải chịu đau đớn và biến chứng khó lường.
Biểu hiện phổ biến của tắc tia sữa là căng tức ngực, sưng đau vùng ngực, thậm chí ngực cứng, nóng rát và đỏ. Nặng hơn, người mẹ bị tắc tia sữa có thể sốt cao. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ đau buốt ngực, suy nhược cơ thể, nguồn sữa bị ảnh hưởng, không khắc phục sớm có thể mất sữa nuôi con.
Khi không được điều trị và khắc phục kịp thời, tắc tia sữa sẽ gây ra những biến chứng như:
- Viêm tuyến vú: Bầu ngực tiếp tục sưng to và rất đau, sờ bầu ngực thấy có nhiều cục cứng, nặn sữa không ra, đầu ngực sưng tấy.
- Áp xe vú: Áp xe vú thường xảy ra sau khi người mẹ bị tắc tia sữa từ 1 tuần trở lên mà không được điều trị với biểu hiệu là đau tức dữ dội, mưng mủ ở tuyến vú.
- Viêm xơ hóa tuyến vú: Biến chứng này không quá phổ biến nhưng khi mẹ bị tắc tia sữa lâu ngày mà không được điều trị thì có thể gặp phải. Viêm xơ, hoại tử tuyến vú xảy ra khi các khối mủ trong ngực bị vỡ ra và đi vào máu, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến gan thận hoặc nhiễm trùng.
Chuyên gia khuyến cáo gì về tắc tia sữa?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM) cho biết phụ nữ muốn phòng tránh tắc tia sữa biến chứng nặng trong thời kỳ cho bú cần áp dụng các biện pháp sau đây:
- Giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xước sát, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.
- Tìm hiểu các triệu chứng ban đầu của viêm tắc tuyến vú, áp xe vú… để có thể đi khám bệnh sớm. Tránh quan điểm “kiêng ra khỏi nhà trong 1 tháng đầu sau sinh”.
- Nên cho con bú hết từng lần vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp-xe. Phụ nữ bị áp xe vú đã được phẫu thuật rạch dẫn lưu mủ cần được được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương nhanh lành.
- Chị em lưu ý không nên áp dụng một số cách dân gian dễ khiến nguy cơ nhiễm trùng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.