Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình trên thế giới, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh là 10 - 20%. Riêng tại Việt Nam, con số này vào năm 2022 là 33%.

Ngoài những nguyên nhân đến từ bản thân như tiền sử trầm cảm, hoóc môn thay đổi dễ lo âu hơn, mang thai lần đầu, thiếu kiến thức, thiếu sự chuẩn bị tài chính, mất ngủ vì cho con bú, con khóc quấy, đau ốm, cơ thể chưa hồi phục, thân hình chưa thon gọn…, còn có rất nhiều nguyên nhân gia tăng từ bên ngoài.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Họ thiếu sự hỗ trợ từ chồng. Đa phần đàn ông Việt Nam không được giáo dục về cách chăm sóc phụ nữ trước và sau sinh, không hiểu về những thay đổi tâm sinh lý của phụ nữ sau khi đứa trẻ chào đời, đánh giá thấp các vấn đề của vợ, chê bai vợ, đòi hỏi về tình dục dù sức khỏe vợ chưa hồi phục.

Đáng nói, quyền tôn trọng sức khỏe của một phụ nữ không được chính người phụ nữ đó coi trọng. Họ phải đặt những yêu cầu của người đàn ông lên trên hết để giữ hạnh phúc gia đình. Đó là chưa kể họ phải vừa làm việc, vừa giữ con, vừa lo cơm nước nhà cửa với hàng tá việc không tên…

Bên cạnh đó, cô ấy còn đối diện với rất nhiều sự săm soi đến từ bên ngoài, chẳng hạn: “Sao người phụ nữ này giảm cân lấy lại vóc dáng rồi còn mình vẫn sồ sề thế kia?”. Trong khi đó, sinh thường và sinh mổ là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau cho quá trình hồi phục.

Đó là chưa kể số cân nặng tăng lên trong thai kỳ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lấy lại vóc dáng. Rồi người mẹ cho con bú phải nạp dinh dưỡng khác với người mẹ cho con uống sữa ngoài… Mỗi người mẹ có cơ địa, điều kiện sống khác nhau, không thể so sánh. Tiếp đến là cuộc chiến nuôi dạy con. Con nhà người ta bụ bẫm thế sao con mình chỉ được bấy nhiêu? Hàng loạt so sánh từ những người bên ngoài khiến phụ nữ mang cảm giác tự ti ở một giai đoạn mà họ rất nhạy cảm.

Phụ nữ sau sinh cần sự hỗ trợ. Họ không cần những phán xét, những dạy đời, những săm soi vào cuộc sống cá nhân. Nếu có lời khuyên dành cho phụ nữ, tôi mong họ tập trung vào những cảm xúc của chính mình. Hãy nhận diện tất cả sự thất vọng, mệt mỏi, chán ghét bên trong mình. Tất cả đều là vấn đề của chỉ riêng mình. Mình phải tự chuyển hóa chúng.

Hãy trao đổi với chồng những nhu cầu của bản thân, rằng bạn cần được giúp đỡ như thế nào, dù sẽ có những người chồng mãi vẫn không thể hiểu nổi vợ mình đang cần gì. Nhưng hãy kiên nhẫn với những sự thay đổi nhỏ của anh ấy. Anh ấy không hoàn hảo. Tập chia sẻ một cách lành mạnh nhu cầu của bản thân, những điều bạn cảm thấy có thể cải thiện, hơn là giữ sự oán ghét đối phương chỉ vì họ không có kiến thức về điều đó.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Hãy đi tìm và chia sẻ từ những người hiểu vấn đề của bạn, những người không phán xét những gì bạn đang trải qua. Khi được chia sẻ, bạn cũng như tôi, một người mẹ mới sinh, sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều vì được lắng nghe.

Còn chúng ta? Chúng ta có thể giúp gì cho những người mẹ trong những tháng ngày “rắn lột da” này? Hãy hỏi họ có cần sự giúp đỡ nào không. Chỉ vậy thôi! Nếu bạn không làm được điều đó thì im lặng cũng đã là một sự giúp đỡ. Trước khi xã hội nâng cao nhận thức về trầm cảm sau sinh, về những cách ứng xử với một người phụ nữ chăm con nhỏ, đó là những gì chúng ta có thể góp phần vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn.

Những người mẹ hãy yêu thương bản thân thật nhiều. Hành trình làm mẹ còn rất dài với nhiều âu lo nhưng cũng đầy những phút giây hạnh phúc.