Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kiểm tra gần 8.000 sản phẩm tại hơn 500 cửa hàng ở Áo, Bulgaria, Israel và Hungary trong giai đoạn tháng 11.2017 đến tháng 1.2018. 

"Khoảng một nửa số sản phẩm được kiểm tra, hơn 30% lượng calo là từ tổng lượng đường và khoảng 1/3 sản phẩm có chứa đường và các chất làm ngọt khác" - văn phòng Châu Âu của WHO cho biết. 

WHO lưu ý rằng, khi các thực phẩm có chứa đường tự nhiên như trái cây và rau quả, phù hợp với chế độ ăn của trẻ nhỏ, thì "lượng đường rất cao có trong các sản phẩm thương mại là một nguyên nhân gây lo ngại".

Tổ chức này cảnh báo, lượng đường cao có thể làm tăng nguy cơ thừa cân và sâu răng. 

Thêm vào đó, việc tiếp xúc sớm với các sản phẩm quá ngọt có thể dẫn tới xu hướng lâu dài là hảo ngọt. 

Ảnh minh họa: Internet

"Chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn là chìa khóa để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của trẻ và để có kết quả tốt hơn những năm sau" - Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO Zsuzsanna Jakab cho biết.

Tới 60% các sản phẩm thực phẩm kiểm tra được gán nhãn là phù hợp cho trẻ dưới  tháng tuổi, trái với khuyến nghị của WHO rằng "trẻ sơ sinh chỉ nên bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời", báo cáo cho biết. 

WHO cũng đang cập nhật các hướng dẫn để các nước thành viên áp dụng chính sách mới nhằm hạn chế việc nạp nhiều đường. 

Tổ chức này muốn dừng việc quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và khuyến nghị trẻ từ 6 tháng tới 24 tháng được ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng được tự chuẩn bị. 

WHO kêu gọi cấm thêm đường và chất ngọt trong thực phẩm cho trẻ nhỏ và đối với nhãn trên kẹo và đồ uống ngọt - trong đó có nước ép trái cây và sữa đặc phải được gắn rõ sản phẩm không phù hợp cho trẻ em dưới 3 tuổi.