Cuối ngày 28/6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ thông báo thu hồi được các mảnh vỡ từ đáy biển, bao gồm cả những gì họ mô tả là thi thể của con người. Các chuyên gia pháp y sẽ phân tích những mảnh thi thể này.

Các mảnh vỡ của tàu lặn Titan được đưa tới cảng St. John, Newfoundland, Canada vào ngày 28/6. Ảnh: AP

Tàu Canada Horizon Arctic mang theo phương tiện ngầm điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc tàu lặn dưới đáy đại dương gần xác tàu Titan ic.

Các mảnh vỡ từ tàu Titan nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m và cách tàu Titanic khoảng 488 m dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, theo hãng tin AP.

Các bộ phận của tàu lặn Titan đã được dỡ xuống tại bến tàu ở cảng St. John, Newfoundland - Canada. Theo thông cáo, các mảnh vỡ được cho là thân, mũi tàu, bảng điều khiển, ván trượt hạ cánh của tàu lặn.

"Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ phối hợp quốc tế và liên ngành để phục hồi, bảo quản bằng chứng quan trọng này ở độ sâu và khoảng cách cực xa ngoài khơi. Bằng chứng sẽ cung cấp cho các nhà điều tra những hiểu biết quan trọng về nguyên nhân thảm kịch này. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tìm hiểu các yếu tố dẫn đến tổn thất thảm khốc của Titan và giúp đảm bảo thảm kịch tương tự không xảy ra lần nữa", Đại úy Cảnh sát biển Mỹ Jason Neubauer cho biết.

Trước đó, tàu Canada Horizon Arctic mang theo một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) tìm kiếm các mảnh vỡ của Titan dưới đáy đại dương gần xác tàu Titanic. Pelagic, công ty sở hữu ROV có trụ sở tại New York, hôm 28/6 cho biết họ đã hoàn thành các hoạt động tìm kiếm ngoài khơi.

Mảnh vỡ tàu lặn Titan được trục vớt và đưa về cảng ở Canada, trong đó có thể có cả thi thể của nạn nhân. Ảnh: AP 

Jeff Mahoney, Phát ngôn viên của Pelagic, nói không thể bình luận về cuộc điều tra Titan, liên quan đến một số cơ quan chính phủ ở Mỹ và Canada. "Họ đã làm việc suốt ngày đêm 10 ngày qua, vượt qua những thử thách về thể chất và tinh thần của chiến dịch này. Họ rất nóng lòng hoàn thành nhiệm vụ và trở về với những người thân yêu", Mahoney nói thêm.

Các mảnh vỡ từ tàu Titan nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m dưới đáy đại dương, cách xác tàu Titanic 488 m. Cảnh sát biển Mỹ và Canada đang dẫn đầu cuộc điều tra về lý do tại sao chiếc tàu ngầm này phát nổ trong quá trình hạ thủy vào ngày 18/6.

Carl Hartsfield - chuyên gia được Cảnh sát biển Mỹ tham khảo ý kiến - cho biết việc phân tích vật liệu của các mảnh vỡ có thể tiết lộ manh mối quan trọng về những gì đã xảy ra với Titan. Theo ông, có thể có dữ liệu điện tử cho biết chính xác quá trình xảy ra thảm họa. "Chắc chắn tất cả thiết bị trên bất kỳ phương tiện lặn sâu nào đều ghi lại dữ liệu", ông Hartsfield nói.

Tàu lặn Titan mất liên lạc từ ngày 18/6. Con tàu được cho là bị ép nát dưới đáy biển, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng khi đang trong hành trình khám phá xác tàu đắm lịch sử Titanic.

Việc trục vớt được các mảnh vỡ tàu lặn là một phần quan trọng của cuộc điều tra về lý do tại sao con tàu phát nổ.

Giám đốc điều hành của công ty điều hành chuyến đi OceanGate Stockton Rush thiệt mạng cùng với 2 thành viên của một gia đình nổi tiếng người Pakistan là Shahzada Dawood và con trai Suleman Dawood, nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, cùng chuyên gia về Titanic Paul-Henri Nargeolet.

Công ty OceanGate cung cấp dịch vụ tham quan xác tàu Titanic với giá 250.000 USD/người. Vụ việc của tàu Titan đặt ra câu hỏi về sự an toàn của các hoạt động thăm dò tư nhân dưới đáy biển. Cảnh sát biển Mỹ cũng muốn sử dụng cuộc điều tra để cải thiện sự an toàn của tàu lặn.