Sự việc vừa xảy ra tại thang máy PL06 thuộc tòa nhà CT2B, đơn nguyên 2, chung cư Gelexia Riverside (số 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) đã khiến cộng đồng mạng xôn xao bàn tán.

Theo VnExpress, trong buổi làm việc chiều 23/6, chủ căn hộ tầng 27 xin nhận trách nhiệm thay và chấp nhận hình thức xử phạt. Ban quản lý tòa nhà phạt chủ căn hộ 2 triệu đồng - mức cao nhất về lỗi vi phạm nội quy tòa nhà, gây mất vệ sinh khu vực chung.

Chính quyền cho biết đã giao công an phường điều tra về hành vi tè bậy này. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, người có hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Hai vị khách nữ bước ra khỏi thang máy và để lại một bãi tè vàng khè. Ảnh: MXH.

Dẫu vậy, nhiều cư dân mạng đề nghị ban quản lý chung cư yêu cầu chủ căn hộ trên cung cấp danh tính 2 nữ khách kia để dán ảnh công khai trên hệ thống thông tin công cộng của tòa nhà.

Chưa hết, cư dân mạng còn đề nghị công khai họ tên, nơi ở, nơi làm việc của 2 nữ khách cho chừa cái tật… tè bậy phản cảm không chấp nhận được, thay vì phạt chủ hộ có hai vị khách đến chơi 2 triệu đồng. Bởi chủ nhà không thể kiểm soát được việc này. 

Thông báo của Ban quản lý tòa nhà về vụ việc. 

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), việc Ban quản trị tòa nhà xử phạt chủ nhà 2.000.000 đồng là không đúng quy định của pháp luật.

Bởi chỉ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính theo đúng trình tự thủ tục luật định.

Theo quan điểm của luật sư, người phải chịu phạt trong vụ việc này là người phụ nữ đã có hành vi phản cảm trong thang máy. 

"Hành vi của người phụ nữ là rất thiếu ý thức, tiểu tiện ngay tại trong thang máy chung cư là nơi sinh hoạt chung của mọi người. Đáng lẽ ra, khi phát hiện hành vi người phụ nữ đi tiểu bậy trong chung cư thì phải thông báo ngay đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm của người vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Hành vi của người phụ nữ không những đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn vi phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nên cần phải xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe", Luật sư Thơm nói. 

Xét hành vi của người phụ nữ tiểu tiện không đúng nơi quy định tại chung cư thương mại đã vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

Mức phạt hành chính đối với hành vi này người phụ nữ phải chịu trách nhiệm xử phạt với mức từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.