Cách đây vài ngày, dư luận Việt Nam và Hàn Quốc lại một phen dậy sóng trước video quay cảnh một người phụ nữ Việt Nam bị chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn.

Người chồng Hàn Quốc liên tiếp tát, đấm vào người vợ, thậm chí dùng một chai rượu sochu đánh vợ trước mặt con trai 2 tuổi. Cô dâu Việt đã phải nhập viện do gãy xương sườn sau trận đòn thập tử nhất sinh.

Cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc đánh đập (ảnh cắt từ clip).

Đây không phải là lần đầu tiên các cô dâu Việt ở nước ngoài bị bạo hành. Mỗi lần đọc tin, chắc hẳn nhiều người thở dài, xót xa cho thân phận phụ nữ lấy chồng xa xứ.

Dẫu biết do hoàn cảnh hay lý do gì khác, nhiều cô gái đã chọn đưa chân lấy chồng nước ngoài để mong đổi đời. Cũng có người may mắn gặp người tử tế và ấm thân, nhưng xác xuất rơi vào nhà kẻ bệnh hoạn, vũ phu quá cao, không thiếu các vụ dẫn tới bi kịch, thậm chí mất mạng.

Quanh ta, có muôn hình muôn vẻ sự lựa chọn của người phụ nữ khi bước vào hôn nhân. Có người đề cao tình yêu, phải lấy người mình yêu và yêu mình. Có người chỉ cần một vế, người ta yêu mình là được, còn hơn mình yêu mà họ coi thường, cũng sớm muộn tới cảnh lụy tình, bị chà đạp.

Nhìn ra vô số các cuộc ly hôn và cả những cuộc... chưa ly hôn nhưng tình cảm đôi bên đổ vỡ hoàn toàn, giới trẻ bây giờ có xu hướng cho người cho rằng tình yêu và hôn nhân...chẳng liên quan gì. Yêu đó, thương đó mà rồi thì cũng vũ phu, bạo hành, vô trách nhiệm với nhau, với con cái. Thôi thì phó mặc hôn nhân cho sự may rủi, ít ra cũng có trước được số tiền báo hiếu cha mẹ. Và thế là làn sóng làm dâu người Hàn, Đài, Trung... vẫn tiếp tục.

 
Vân – cô bạn cùng lớp cấp ba của tôi từng mạnh miệng: “Sau này tao nhất định sẽ lấy chồng gần nhà”. Chúng tôi cười ngặt nghẽo bởi nghĩ nó nói chơi, chuyện hôn nhân là do duyên số, ai mà tính trước được.

Nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà Vân suy nghĩ như thế. Cô ấy kể khi chứng kiến cảnh chị gái lấy chồng cách nhà tầm 600 km nhưng suốt ngày gọi điện về than thở khóc lóc.

Khi sinh con về nhà ngoại được một tháng rồi phải quầy quả trở lại nhà chồng, chị của bạn một thân một mình xa xứ với bao nhiêu nỗi tủi hờn. Ba mẹ ốm đau cũng chỉ về thăm được một ngày chứ nói gì đến chuyện chăm sóc. Lấy chồng xa như vậy thì đánh đổi lớn quá, chưa kể nhiều lúc vợ chồng cơm không lành canh không ngọt muốn về nhà mẹ an trú một buổi, cũng chẳng thể.

Chính chị gái cũng khuyên Vân rằng yêu đương và kết hôn có khoảng cách xa lắm. Ngày trước, chị từng nghĩ vì yêu sẽ vượt qua tất cả, chặng đường 600 km đó chỉ cần ngồi xe nửa ngày là về đến quê. Nhưng rồi, khi con cái đùm đề, muốn về đâu dễ dàng, phải xin phép chồng chồng hết lần này lượt nọ. Mỗi năm, về thăm ba mẹ nhiều nhất hai lần, lần nào đi cũng lưu  luyến, ngậm ngùi.

Nhìn chị như vậy nên học xong đại học, dù có nhiều người chàng trai thành phố theo đuổi, Vân về yên phận làm ở một cơ quan nhà nước ở quê, rồi cưới anh cùng chỗ làm. Cuộc sống không giàu có, nhưng yên ổn. Mỗi lần họp lớp vào dịp Tết, chúng tôi đứa chạy sấp chạy ngửa lo vé ra vào thành phố, còn Vân ung dung: “Đã thấy chưa, lấy chồng gần có phải khỏe hơn, tiết kiệm tiền hơn không”.

Hôn nhân thành công dựa vào chính chúng ta hay sự may rủi của số phận? Ảnh minh họa

Những bạn lấy chồng gần nhà như Vân đều đồng tình thế. Cái Hoa có nhà chồng sát vách nhà mẹ đẻ, hoan hỉ: “Lấy chồng gần, con cái có ông bà đỡ đần chẳng phải lo. Ở nhà chồng có gì bực bội thì chạy ngay về với mẹ để được xả stress, giảm bớt áp lực. Gia đình có chuyện gì đều có ba mẹ chị em ở bên hỗ trợ kịp thời, nhà chồng cũng có phần nể nang”.

Nhưng một số bạn không đồng ý với quan điểm của Vân, cho rằng chẳng qua Vân may mắn. Chứ lấy chồng xa hay gần gì mà gặp phải chồng xấu tính, thêm gia trưởng vũ phu cũng khổ như nhau. Thà lấy chồng xa, nếu có gì không yên ả, thì chỉ mình gánh chịu, chứ lấy chồng gần mà trúng phải người bạn đời hay nhà chồng chẳng ra gì, thì cha mẹ anh em mình cũng đau xót " cả chùm" với mình.

"Cuối cùng thì, hôn nhân luôn là canh bạc may rủi, cho dù các mẹ có tính kỹ tới cỡ nào", nhóm lấy chồng thành phố vẫn khăng khăng quả quyết.

Nhưng mà, có đúng là hôn nhân luôn may rủi vậy không hả bạn?