Axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt tại Nhật Bản

Mới đây, trang thông tin www.city.osaka.lg.jp của thành phố Osaka (Nhật Bản) đã đăng tải thông tin Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka Nhật Bản ra quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam ngày 7/12/2018 sau khi xác định thành phần có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Cụ thể, lô hàng nhập khẩu tương ớt Chinsu nói trên của Công ty Masan bị thu hồi do có chứa các chất phụ gia thực phẩm như axit benzoic, axit sorbic... chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật Bản. Nội dung này vi phạm khoản 2 Điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm.

Kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) đã xác định có hàm lượng axit benzoic trong lô sản phẩm này. Cụ thể:

Lô sản phẩm tương ớt Chinsu bao gồm các chai có hạn sử dụng lần lượt theo thông tin ghi trên nhãn hiệu - Ảnh: Osaka City 

Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 10/6/2019: 0,41g axit benzoic/kg

Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 17/6/2019: 0,44g axit benzoic/kg

Những chai tương ớt có hạn dụng ngày 06/7/2019: 0,45g axit benzoic/kg

Theo quy định tại Nhật Bản, axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt. Do đó, lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của quốc gia này đã bị thu hồi.

Chất bảo quản axit benzoic được sử dụng tại Việt Nam

Axit benzoic (E210) là một chất phụ gia bảo quản có tác dụng chống vi sinh vật.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hàng ngày mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người dao động ở mức 5mg/kg trong lượng cơ thể/ngày.

Kỹ sư Công nghệ hóa Thực phẩm Lương Ánh Hồng cho biết: “Chất axit benzoic đã được quy định tại Văn bản hợp nhất số 02 của Bộ Y tế (VB 02/VBHN-BYT) Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm ngày 15/6/2015 (trước đây được quy định trong Thông tư số 27/2012/TT - BYT ngày 30/11/2012).

Hình ảnh chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam được trang thông tin của thành phố Osaka đăng tải - Ảnh: Osaka City 

Theo đó, benzoic nằm trong danh mục chất bảo quản được phép sử dụng tại Việt Nam với ngưỡng ML (max level) là 1000mg/kg (tại trang 154 của Văn bản).

Do đó, việc công bố đăng ký sản phẩm tương, nước chấm tại Việt Nam sẽ phù hợp và được cho phép sử dụng nếu nằm trong ngưỡng cho phép của Bộ Y tế”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết axit benzoic tại Việt Nam vẫn được phép sử dụng làm chất phụ gia thực phẩm nhằm bảo quản kháng vi sinh.

Hàm lượng axit benzoic được công bố sau khi kiểm tra lô tương ớt Chin su nhập khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản, theo ông Thịnh, nằm ở dưới ngưỡng cho phép tối đa. Mức độ này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiêu thụ nhiều axit benzoic ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Đặc tính hóa học của axit benzoic là ít tan trong nước (ước tính 1g chất này chỉ tan trong khoảng 275ml nước). Khi vào cơ thể chất này tác dụng với một số chất tạo thành axit purivic không gây độc hại và bị đào thải ra ngoài.

Công thức hóa học của axit benzoic - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, tiêu thụ lượng lớn axit benzoic có thể ảnh hưởng đến trạng thái bình thường của cơ thể. Lúc này, glucocol – thành phần có tác dụng tổng hợp protein trong cơ thể tác dụng toàn với axit benzoic để giải độc. Bên cạnh đó, axit benzoic có thể ảnh hướng trực tiếp đến hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng vùng mắt.

Thông tường khi ăn tương ớt, mọi người chỉ ăn như gia vị mang tính chất thưởng thức, không ăn quá nhiều nên lượng nhỏ axit benzoic không gây hại cho cơ thể.

Chất bảo axit benzoic được phép tiêu thụ ở mức 5mg/kg trong lượng cơ thể/ngày - Ảnh minh họa: Internet

Về việc sử dụng chất bảo quản trong chế biến thực phẩm, PGS Thịnh thông tin chất này sẽ gây tác hại nhất định đến sức khỏe. Ở ngưỡng chấp nhận được, chúng vẫn có thể được sử dụng nhằm bảo vệ thực phẩm tránh khỏi nguy cơ nấm mốc.