Với hơn 100 sinh viên làm vệ sinh và cán bộ chuyên môn, bộ có 'cứu' được sân Mỹ Đình?
19h30 ngày 9-1, trận bán kết lượt về Việt Nam - Indonesia sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Khu liên hợp thể thao quốc gia đang nỗ lực khắc phục các sự cố của sân. Dù vậy mọi thứ e là đã quá muộn!
Bất lực với mặt cỏ sân
Trước AFF Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng thuê sân Mỹ Đình là sân nhà của đội tuyển Việt Nam. Theo một lãnh đạo VFF, sân Mỹ Đình được chọn bởi đây là sân vận động có sức chứa lớn nhất Việt Nam, nằm tại Hà Nội nên rất thuận lợi cho công tác di chuyển, ăn ở của các đội tuyển tham dự AFF Cup và quan chức quốc tế. Ở Việt Nam, tuy hiện nhiều sân có chất lượng mặt cỏ tốt hơn sân Mỹ Đình nhưng sức chứa hạn chế. Việc di chuyển đường hàng không cũng không thuận lợi cho các đội tuyển nước ngoài.
Giá thuê sân Mỹ Đình là 800 triệu đồng/trận ở cả vòng loại và chung kết. Với giá thuê này, Khu liên hợp thể thao quốc gia sẽ phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về mặt sân, khu kỹ thuật, phòng chức năng... trong các trận đấu của tuyển Việt Nam. Nhưng theo khu liên hợp, với giá thuê 800 triệu đồng, họ vẫn phải chịu lỗ (giá khu liên hợp đưa ra từ 1,2 - 1,3 tỉ đồng/trận).
Qua hai trận vòng bảng của tuyển Việt Nam với Malaysia và Myanmar, sân Mỹ Đình đã gây nhiều lo lắng cho cầu thủ, bức xúc với người hâm mộ. Mặt sân lún, cỏ xấu và chết rất nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của trận đấu. Khán đài bẩn, ghế ngồi cũ và mất vệ sinh khiến nhiều khán giả đến sân ngao ngán. Ngày 6-1, trong cuộc họp khẩn với các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo những hình ảnh xấu xí của sân Mỹ Đình phải được khắc phục, không xuất hiện trong trận gặp Indonesia.
Ngày 7-1, hơn 100 sinh viên Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đã được huy động để làm vệ sinh sân Mỹ Đình. Dù tình trạng vệ sinh được cải thiện nhưng mặt cỏ sân vẫn... bất lực. Trung bình 5-6 năm phải thay mặt cỏ một lần nhưng 12 năm qua, sân Mỹ Đình không được thay cỏ. Thiếu kinh phí, quy trình chăm sóc lạc hậu đã dẫn đến nông nỗi này.
Sẽ kiến nghị cơ chế để tháo gỡ
Là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100% trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để có thể tự chủ tài chính, Khu liên hợp thể thao quốc gia tìm nguồn thu từ việc cho thuê sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, các khu vực đất và phòng chức năng. Nguồn thu cao nhất của khu liên hợp có năm từng đạt gần 60 tỉ đồng.
Nhưng cũng chính trong quá trình tự chủ tài chính này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Khu liên hợp thể thao quốc gia đã xảy ra nhiều sai phạm suốt 10 năm từ 2009 - 2018 trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Theo Cục Thuế Hà Nội, hiện khu liên hợp đang nợ 855 tỉ đồng tiền thuế.
Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận năm 2021, các hoạt động cho thuê kinh doanh tại đây bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch siết chặt. Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng lại không có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ khiến khu liên hợp lại càng khốn khó. Nhiều nhân viên nghỉ việc, việc trả tiền điện nước để duy trì hoạt động của khu liên hợp cũng là áp lực. Việc chăm sóc sân Mỹ Đình vì thế cũng không thể tốt.
Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ cấp hơn 400 tỉ đồng để sửa sang khu liên hợp phục vụ SEA Games 31. Nhưng trong các hạng mục sửa chữa, làm mới, mặt cỏ sân Mỹ Đình không được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay. Trước tình trạng "bế tắc" của khu liên hợp, ngày 5-1 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, nhất là các cơ sở thuộc quyền quản lý của bộ. Chính phủ đề nghị làm rõ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng trong tháng 1-2023.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ sẽ gấp rút để báo cáo Chính phủ bức tranh tổng thể cơ sở vật chất thể thao hiện nay. Trong đó có đánh giá về khó khăn và kiến nghị cơ chế để tháo gỡ.
Xin trở lại cơ chế tự chủ một phần
Hai ngày qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đề xuất, khu liên hợp xin được trở lại cơ chế tự chủ một phần. Điều này có nghĩa nếu được thông qua, Nhà nước sẽ phải cấp kinh phí để duy trì hoạt động của khu liên hợp.
Bên cạnh đó, khu liên hợp cũng mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành liên quan phê duyệt đề án khai thác cơ sở vật chất tại khu liên hợp. Nếu có nguồn tài chính từ ngân sách, cộng với việc cho thuê cơ sở vật chất, khu liên hợp cho biết mới có tiền để chăm sóc sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước.
Bước qua hôn nhân đổ vỡ, MC Mai Ngọc tuyên bố 'tự làm chủ' cuộc đời, khẳng định 'nhiều người...
Bị nhận xét "xinh đẹp, tài năng nhưng bạc phận", MC Mai Ngọc lên tiếng nói rõ về quan điểm sống hậu ly hôn gây chú ý.
Trở lại sau 3 năm, liệu Lý Tử Thất có lấy lại được hào quang?
Sau 3 năm, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều “bản sao” Lý Tử Thất mới. Đi cùng là sự trỗi dậy của livestream bán hàng, thứ chưa có trong phong cách làm video trước đây của cô.
Rầm rộ trào lưu lá chuối chiên giòn, trộn gỏi trên mạng xã hội
Lá chuối chiên giòn đang trở thành trào lưu ăn uống được quan tâm, dù gây nhiều tranh cãi. Sự thật đằng sau món ăn này sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Xót xa vòng hoa trắng tiễn biệt cô gái trẻ tử vong vì nhóm 'quái xế' ở Hà Nội, Erik...
Ca sĩ Erik thương tiếc tiễn biệt, gửi hoa chia buồn với gia đình cô gái trong vụ tai nạn ở Hà Nội. Được biết, nam ca sĩ và cô gái là những người bạn thân học cùng trường cấp 2.