Chia sẻ với phóng viên, ThS.BS Vũ Thị Hồng Liên - chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trong quá trình thăm khám cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhóm nguyên nhân vô sinh ở nữ giới hay gặp nhất là do vòi tử cung và tổn thương dính buồng tử cung. 

Việc can thiệp vào buồng tử cung để nạo hút thai sẽ khiến niêm mạc tử cung bị tổn thương và mất đi, để lộ ra lớp dưới niêm mạc có tính chất gây dính, tạo nên những dải xơ dính trong buồng tử cung, khiến diện tích buồng tử cung hẹp lại, ngăn cản sự làm tổ của phôi thai sau này. 

Do đó người phụ nữ sẽ khó mang thai hoặc nếu mang thai sẽ dễ bị lưu sảy thai và đẻ non. Ngày nay tỷ lệ nạo phá thai ngày càng tăng, đây cũng là nguyên nhân chính giải thích tại sao tỷ lệ vô sinh nữ tăng, đặc biệt là nhóm nguyên nhân do dính buồng tử cung.

Ths. BS Vũ Thị Hồng Liên thăm khám cho bệnh nhân 

“Hàng ngày khi thăm khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân hiếm muộn, chúng tôi thường xuyên gặp các bệnh nhân nữ vô sinh do dính buồng tử cung hoặc do tắc, ứ dịch 2 vòi tử cung nhưng gần đây, có một trường hợp khiến tôi nhớ nhất. 

Đó là cặp vợ chồng ở Hải Dương, vợ sinh năm 1992, tuy đã kết hôn 4 năm nhưng vẫn chưa có con. Một năm sau khi không thấy có tin vui, hai vợ chồng có thăm khám, kiểm tra chức năng sinh sản và được kết luận khả năng sinh sản bình thường, không phát hiện bất thường ở tử cung, hai vòi tử cung thông”, BS Hồng Liên cho hay.

Bốn tháng sau, người vợ có thai, tuy nhiên đến tuần thứ 7 thì thai ngừng phát triển, người vợ tiến hành hút thai tại một phòng khám tư nhân. Sau khi đình chỉ thai một năm người vợ thấy vẫn chưa có thai lại nên đã tới thăm khám tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội .

 Sau khi thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tử cung vòi trứng các bác sĩ phát hiện người vợ đã bị mất toàn bộ niêm mạc khiến dính toàn bộ buồng tử cung, nguyên nhân là do lần phá thai không an toàn trước đó. 

“Bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật nội soi tách dính buồng tử cung nhưng không thành công vì niêm mạc tổn thương quá nhiều, không có khả năng phục hồi và không tự mang thai được nữa. Nếu mong muốn có con, hai vợ chồng chỉ có một phương án duy nhất là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và xin mang thai hộ”, BS Hồng Liên cho hay.  

Lý giải vì sao lại vĩnh viễn không còn cơ hội làm mẹ, BS Hồng Liên nhấn mạnh, việc dính buồng tử cung có thể xảy ra khi người bệnh thực hiện đình chỉ thai không an toàn dù chỉ một lần duy nhất. 

Vì vậy việc nạo phá thai nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng dính buồng tử cung lên rất nhiều. Không chỉ gây ra các tổn thương mà việc can thiệp vào buồng tử cung còn khiến niêm mạc bị viêm nhiễm bởi các tác nhân như vi khuẩn Gram âm, chlamydia, nấm sinh dục... từ đó khiến niêm mạc buồng tử cung không hồi phục được. 

Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu khoa học, tỷ lệ dính buồng tử cung tăng theo số lần đình chỉ thai nghén, nghĩa là số lần nạo phá thai càng nhiều thì tỷ lệ dính buồng tử cung càng cao.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nạo phá thai 1 lần thì không có nguy cơ dính buồng tử cung. Việc nạo phá thai không an toàn, không đảm bảo vô khuẩn, gây viêm niêm mạc tử cung cũng làm tăng nguy cơ dính buồng tử cung.

“Khả năng mang thai của bệnh nhân dính buồng tử cung do nạo hút thai nhiều lần còn phụ thuộc vào diện tích buồng tử cung bị dính và vị trí của dải dính. Trường hợp buồng tử cung dính nhiều, đặc biệt là dính toàn bộ buồng tử cung thì có thể khiến phụ nữ không còn khả năng mang thai”, BS Hồng Liên phân tích. 

Vì vậy bác sĩ Hồng Liên khuyến cáo phụ nữ nói chung và đặc biệt là các bạn gái trẻ nên tìm hiểu thật kỹ các biện pháp tránh thai và lựa chọn cho mình phương pháp tránh thai phù hợp nhất để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. 

Trong tình huống bắt buộc phải làm thủ thuật đình chỉ thai, các bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, an toàn; sau khi thực hiện thủ thuật cần dùng thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ vệ sinh thật tốt tránh bị viêm nhiễm và tái khám sau 2 tuần để kiểm tra lại.

Trường hợp sau nạo hút thai, lượng kinh nguyệt ra ít hoặc sau 5 tuần không hành kinh, các bạn nên khám lại ngay để sớm phát hiện bất thường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không có thai sau một năm chung sống, quan hệ đều đặn mà không dùng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào. Trên thế giới, các nguyên nhân vô sinh do nữ chiếm 40% tỷ lệ vô sinh, nguyên nhân vô sinh do nam chiếm 40%, tỷ lệ vô sinh do hai vợ chồng chiếm 10% và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. 

Trong đó, nguyên nhân gây vô sinh nữ do vòi tử cung chiếm khoảng 35%, do lạc nội mạc tử cung và dính buồng tử cung là 45 % và rối loạn phóng noãn chiếm 20%. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng đang ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa mà nguyên nhân chính có thể kể tới là lối sống, sinh hoạt không lành mạnh, đặc biệt là quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai bừa bãi.