Tôi và vợ lấy nhau được 10 năm, con gái đầu lòng 10 tuổi, con trai 8 tuổi. Cả hai đều có công việc ổn định, gia đình hai bên bình thường. Vợ chồng tôi hiện ở với ông bà nội, còn con gái lớn học trên thành phố và ở cùng ông bà ngoại, cuối tuần chúng tôi lại đón cháu về quê với ông bà nội. Vợ chồng tôi có thu nhập ổn định từ tiền cho thuê nhà hàng tháng khoảng hơn 10 triệu. Cuộc sống của chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu chuyện chăn gối hòa hợp hơn.

Từ khi sinh xong, vợ tôi không hề có cảm giác gì khi thân mật với tôi, dù chúng tôi đã đi khám, hay thay đổi không khí. Vừa qua vợ tôi làm phẫu thuật vùng kín nhưng cô ấy vẫn không có cảm giác gì. Cuộc sống chăn gối không viên mãn sẽ là nguyên nhân đổ vỡ, tôi rất sợ gia đình mình sau này sẽ như vậy, nhưng lại chưa nghĩ ra cách nào để cải thiện, mà với xã hội hiện nay, tôi và vợ đều có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với người khác. Tôi đang rất bế tắc và cần một giải pháp để cởi bỏ nút thắt này. Rất mong chuyên gia và bạn đọc tư vấn giúp tôi.

Khải

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:

Anh Khải thân mến,

Đúng là phụ nữ sau sinh thường có những thay đổi, bởi vì sức khỏe bị giảm sút, thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý… nên họ mới cần một quãng thời gian để nghỉ ngơi, bồi dưỡng và từ từ cân bằng trở lại. Quá trình ấy có thể tính bằng tháng nếu như bản thân người phụ nữ có sức khỏe tốt, được chồng con, gia đình quan tâm chăm sóc, sẻ chia. Cũng có nhiều người có thể sẽ phục hồi chậm hơn, thời gian tính theo năm. Tuy nhiên, tình trạng suy nhược không thể kéo dài gần cả chục năm như trường hợp của vợ chồng anh. Tính ra, năm nay con trai bé của anh chị đã được 8 tuổi, tức là có khoảng ngần ấy thời gian vợ anh không có cảm giác khi thân mật với chồng. Tình trạng mất cảm giác khi gần gũi kéo dài như thế đủ để gây ra bệnh lãnh cảm ở người phụ nữ.

Không biết anh đã đưa vợ đi khám ở đâu và bác sĩ kết luận, đưa ra phác đồ điều trị thế nào, bởi thực ra có nhiều nguyên nhân dẫn tới mất cảm giác, như vấn đề về sức khỏe hoặc tâm lý. Nếu nguyên nhân do bệnh tật thì chỉ cần khám ra bệnh và lập tức điều trị là xong. Nhưng nếu là do tâm lý thì lại cần có sự cởi mở và hợp tác của chính vợ anh. Cô ấy có thực sự muốn chia sẻ về thời điểm, lý do, những uẩn ức trong lòng mình, hoặc có muốn thay đổi, chấm dứt tình trạng này hay không? Và chính anh nữa, anh có muốn giúp vợ, có sẵn sàng thay đổi sở thích, mong muốn… của bản thân để cả mình và cô ấy đều cảm thấy tốt lên không?

Thực ra cuộc đời không quá dài như chúng ta tưởng, nên nếu có thể hãy tận hưởng thay vì chịu đựng. Vợ chồng anh hãy cùng ngồi lại, thiện chí trò chuyện và tìm ra một biện pháp hợp lý cho cả hai. Anh chị đừng quá nóng vội hoặc ép bản thân phải cố gắng bằng được, bởi như thế càng khiến cả hai bị áp lực hơn. Chỉ khi cả anh và vợ cùng khỏe mạnh, thoải mái tinh thần thì lúc đó việc làm phẫu thuật hay đi du lịch mới phát huy được hết tác dụng. Chúc vợ chồng anh sớm “lật ngược tình thế” và tìm lại được cảm giác hạnh phúc, ngọt ngào.