Bé đến khám tại bệnh viện Nhi đồng 1 hơn ba lần rồi nhập viện. Sau một tuần điều trị, bé đã chơi được và tỉnh táo. Ngoài điều trị thuốc theo phác đồ, bệnh nhi được các bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu để loại bỏ long đàm nhớt, thông thoáng đường thở cho bé.

Chị Tiểu Bình, mẹ bé cho biết Thịnh sinh non 31 tuần, bác sĩ cảnh báo sức đề kháng của bé yếu nên dễ mắc bệnh. "Biết con dễ mắc bệnh nên luôn đề phòng, con có triệu chứng là đưa đến bệnh viện liền", chị nói.

Nằm trong phòng cấp cứu, bệnh nhi Phan Trần Minh Phú, 3 tháng tuổi ở Long An mới nhập viện được 4 ngày phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ đường thở vì viêm tiểu phế quản, biến chứng viêm phổi. Trước đó, bé được bác sĩ chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản phổi và dương tính với virus hợp bào hô hấp. 

Gia đình cho biết, bé mắc virus khi mới một tháng tuổi. Sau một tuần chữa trị, bé được về nhà nhưng cứ đỡ được vài ngày, các triệu chứng lại tái phát. Tối 27/11, bé Phú sốt, ho, khóc nhiều, bỏ bú, người tím tái, người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.

Đến ngày 1/12, bệnh nhi đã bú được, không còn thở oxy, triệu chứng bệnh thuyên giảm nhiều.

Bé Phú nằm ở phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM ngày 1/12. Ảnh: Cẩm Anh

Nhiều trường hợp cha mẹ nghĩ con bị cúm thông thường nhưng sau khi xét nghiệm mới biết nhiễm virus hợp bào hô hấp. Điển hình, bệnh nhi Trần Minh Anh, 11 tháng tuổi, ở Đồng Nai, đã nằm bệnh viện Nhi đồng 1 gần nửa tháng.

Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ con bị cảm nên tự cho uống thuốc hạ sốt. Sau hơn một tuần, bệnh tình của bé ngày một nặng hơn. Khi vào viện, bệnh nhi khó thở, ho khò khè, sốt cao, ngạt mũi, ăn vào là nôn trớ. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh viêm tiểu phế quản, suy hô hấp, dương tính với virus hợp bào hô hấp. Bệnh nhi được thở oxy, truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở.

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sáng 2/12 có 277 bệnh nhi đang nằm điều trị tại khoa Hô hấp. Trong đó, có 94 bệnh nhi mắc viêm tiểu phế quản. 

Trong tháng 11, bệnh viện chữa trị cho  499 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, giảm 21% so với tháng trước.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tập trung vào thời điểm giao mùa, những tháng mùa mưa. 

"Virus viêm hợp bào hô hấp lây lan rất nhanh, chỉ sau virus cúm. Chúng lây truyền dễ dàng từ người sang người qua tiếp xúc chạm phải chất dịch hoặc hít phải không khí có nhiễm virus... Ước tính, một em bé mắc virus có khả năng lây cho 5 em bé khác nên việc kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng", bác sĩ Tuấn nói.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi, trẻ đẻ non dưới 35 tuần tuổi thai, mắc các bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch... nguy cơ cao mắc RSV và mức độ bệnh cũng nặng hơn. Ngoài ra, trẻ vui chơi trong những khu đông người vào mùa virus này hoạt động, tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng dễ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những nhóm khác.

Các triệu chứng khi nhiễm virus viêm hợp bào hô hấp thường giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở. 

Tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, số lần mắc bệnh mà có trẻ biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường mắc viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi. Hầu hết viêm phổi do RSV khỏi hoàn toàn sau một đến hai tuần, ho có thể kéo dài hơn. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, virus này thường chỉ gây ra cảm lạnh nhẹ và tự khỏi sau đó.

Hiện vẫn chưa có vắcxin hoặc thuốc để điều trị khi virus RSV xâm nhập vào cơ thể. Khi trẻ bị nhiễm RSV chỉ có thể điều trị các triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung... trong suốt quá trình lây nhiễm và ảnh hưởng của virus đối với hệ hô hấp. Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.

Bác sĩ Tuấn khuyên cha mẹ khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời. cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cần cho trẻ uống nhiều nước, tránh tình trạng thiếu nước sẽ làm đờm trở nên cô đặc làm bệnh nặng hơn. Uống nhiều nước sẽ giúp trẻ loãng đờm, dịu ho.

Để phòng ngừa, cha mẹ nên tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi. Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ. Tránh hôn hít trẻ, đưa trẻ đến nơi đông người. Giữ cho môi trường sống của trẻ trong lành, tránh khói bếp, khói thuốc lá.