Thông tin được TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết tại lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao, hôm 22/3, thêm rằng số bệnh nhân lao đang tăng mỗi năm.

Số ca lao được ghi nhận năm 2023 tăng 2,2% so với năm 2022 và tăng 34% so với 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Gần 4.000 bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc, cao hơn ba năm trước đó. Theo ông Lượng, số ca được ghi nhận chỉ chiếm khoảng 60% thực tế, tức là còn khoảng 40% người mắc bệnh chưa được phát hiện trong cộng đồng.

So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ như An Giang, Cần Thơ, số ca được phát hiện khoảng 400-500/100.000 dân - tỷ lệ mắc lao trên dân số được cho là cao.

"Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao", ông Lương nói. Nước ta hiện đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đứng thứ nhất về tình trạng bệnh lao kháng đa thuốc.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng đánh giá gánh nặng do lao rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình và đất nước. Gia đình có bệnh nhân lao kháng thuốc phải trả những khoản chi phí cao, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình. Vì vậy, bà Lan cho rằng "chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững".

Trong hai năm đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Việt Nam thời điểm ấy là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao nhất toàn cầu. Từ năm 2022, khi dịch được khống chế, hoạt động phòng chống lao hồi phục, số bệnh nhân được phát hiện và điều trị cao hơn.

Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Lê Nga

Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia nhìn nhận công tác phòng chống lao của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Năm nay, việc cung ứng thuốc lao được chuyển từ nguồn ngân sách nhà nước sang Quỹ Bảo hiểm y tế gây khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc. Tự chủ về tài chính tại các tuyến y tế cũng ảnh hưởng nhất định tới hoạt động phòng chống lao.

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2035 chấm dứt bệnh lao. Để đạt được mục tiêu này, Chương trình Chống lao quốc gia đề xuất bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò hệ thống y tế cơ sở, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận hay can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây hay nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Hiện, Việt Nam là một trong 7 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine lao M72, loại vaccine hứa hẹn sẽ "triệt tiêu" bệnh lao toàn cầu.

Ngày Thế giới Phòng chống lao diễn ra vào 24/3 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của bệnh lao đến sức khỏe và kinh tế - xã hội.