Viêm tụy tăng vì “không say không về”
Bảy lần nhập viện do viêm tụy vì rượu bia
Bác sĩ (BS) Huỳnh Phúc Hưng, Phó khoa Tiêu hóa Bệnh viện (BV) đa khoa Đồng Nai, cho hay: từ những ngày bắt đầu nghỉ tết đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện do viêm tụy cấp sau khi uống rượu bia tăng đột biến, hơn 20 ca/ngày so với 3-5 ca ngày thường. Nhiều ca bệnh nặng phải lọc máu, điều trị tích cực nhưng không cải thiện phải chuyển lên TP.HCM. Đặc biệt có đến 50% ca bệnh xảy ra tình trạng viêm tụy hoại tử. Nguyên nhân chính do người bệnh uống lượng rượu bia quá nhiều và liên tục trong thời gian ngắn.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Lê Công H. (21 tuổi, nhà ở xã Phú Sơn, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) nhập viện cấp cứu sau hai ngày nhậu liên tục với bạn bè. Khi về nhà, bệnh nhân say xỉn, nôn ói và đau bụng dữ dội. Các BS chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp và hoại tử nặng do uống rượu bia nhiều. Bệnh nhân được chuyển vào khoa bệnh nặng (Hồi sức - tích cực - chống độc) để lọc máu liên tục trong ba ngày. May mắn, bệnh nhân không bị suy đa cơ quan và tuổi còn trẻ nên đang phục hồi tốt.
Chăm con tại BV, chị Lý, mẹ của bệnh nhân Lê công H, bày tỏ: “Nghe BS thông báo phải lọc máu để giữ tính mạng, tôi lo lắm. Con còn trẻ đã uống rượu bia nhiều, chỉ mong sau lần này con biết sợ”.
Dù đã nhập viện đến lần thứ bảy vì viêm tụy cấp do uống bia rượu nhưng anh Nguyễn Tân B. (33 tuổi, nhà ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa sợ. Mới đây, ngày 25/2, cơ quan đi làm lại sau tết, anh tranh thủ “họp” với đồng nghiệp sau nhiều ngày xa cách. Khi vào BV, bệnh nhân lên cơn co giật, chân tay run và buồn nôn, đau bụng nhiều. Sau khi xét nghiệm máu, siêu âm, các BS chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rượu. Khi được hỏi sao chưa sợ rượu bia, anh B. gãi đầu ấp úng: “Tôi cũng muốn bỏ rượu nhưng cứ gặp bạn bè là vui quá nên nhậu lại. Và những lần nhậu nhiều đều phải vào BV gặp… BS”.
BS Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết: dịp tết năm nay dù TP.HCM đã cấm các quán nhậu… tụ tập do COVID-19 nhưng mỗi ngày vẫn có 1-2 người “ôm bụng” đến BV cấp cứu vì viêm tụy, trong khi bình thường 2-3 ngày mới có một ca. May mắn, bệnh nhân được đưa tới BV kịp thời nên có thể cứu chữa. Sau khi điều trị, người bệnh phải kiêng cữ bia, rượu, nghỉ ngơi đúng theo chỉ định của BS, nếu không bệnh càng nặng.
60-70% tử vong khi viêm tụy cấp trở nặng
Theo các BS, hiện y học vẫn chưa xác định rõ cơ chế sinh bệnh của viêm tụy cấp. Nhưng khi bị viêm tụy cấp, các men tụy xâm nhập vào xoang bụng gây tiết dịch hoặc chảy máu ổ bụng. Men tụy vào hệ tuần hoàn gây tổn thương và suy thận, suy hô hấp… và tử vong. Ba nguyên nhân chính dẫn đến viêm tụy cấp gồm: sỏi mật, dùng rượu bia, tăng mỡ máu.
Khoảng 80% ca viêm tụy cấp xuất viện an toàn sau 5-7 ngày điều trị bằng thuốc, nhưng 20% ca còn lại trở nặng, có thể tử vong vì những biến chứng suy gan, suy thận, suy hô hấp…
BS Huỳnh Phúc Hưng nhấn mạnh: “Khi viêm tụy cấp trong tình trạng nặng, suy đa cơ quan thì tỷ lệ tử vong lên 60-70%. Tôi từng chứng kiến bệnh nhân khởi phát cơn đau trong một ngày thì tụy đã hoại tử. Không có lời khuyên nào để tránh viêm tụy cấp ngoài việc hạn chế hoặc không uống rượu bia. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bệnh này chỉ xảy ra ở người uống nhiều bia rượu là không đúng. Ngay cả người lâu lâu uống hoặc uống ít cũng bị viêm tụy vì phụ thuộc vào cơ địa của từng người”.
Về điều trị bệnh viêm tụy nặng, BS Đặng Ngọc Quý Huệ, Trưởng khoa Tiêu hóa BV đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, khẳng định: có thể nói, rượu gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Nó khiến người uống thay đổi hành vi, lệ thuộc vào rượu. Rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng loạn thần, đập phá. Các y, BS phải trói tay, chân bệnh nhân để cố định và cho uống thuốc an thần từ 3-5 ngày họ mới bình tĩnh lại. Có người say xỉn, nôn ói… đến rách thực quản. Nếu thực quản có sẵn ổ loét, việc rách thực quản rất nguy hiểm vì chất độc ngấm trực tiếp vào ổ loét.
BS Trần Ngọc Lưu Phương khuyến cáo: “Trước khi xuất viện, dù BS đã phân tích, tư vấn kỹ nhưng nhiều bệnh nhân vẫn nghĩ hết bệnh là hoàn toàn khỏe mạnh và gần như không ai đi tái khám. Khi bệnh tái phát, ngoài hậu quả viêm tụy nặng còn kèm theo loét dạ dày, tăng men gan rất khó điều trị. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân viêm tụy, nhiễm trùng máu, xuất huyết nặng… tử vong”.
Ăn dầu mỡ, ăn thịnh soạn cũng viêm tụy cấp
BS Đặng Ngọc Quý Huệ khẳng định: vào những ngày lễ, tết, bệnh viêm tụy cấp tăng cao không chỉ xảy ra ở người uống nhiều bia, rượu mà cả những phụ nữ ăn quá thịnh soạn, nhiều dầu mỡ. Điều này dẫn đến các rối loạn chuyển hóa như: tăng triglyceride máu (dạng tăng mỡ máu). Về lâu dài, viêm tụy cấp sẽ gây ra tình trạng viêm tụy mạn và tiểu đường.
Do đó, theo BS Trần Ngọc Lưu Phương, người mắc viêm tụy đã điều trị hay chưa từng bị bệnh cũng phải ăn uống điều độ, không vì thách đố nhau mà uống quá nhiều rượu bia, thức uống có cồn. Trước khi “bước vào cuộc vui” nên ăn bữa nhẹ. Nếu xuất hiện các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt nếu đau bụng liên tục, cơn đau quặn mỗi lúc một nhiều phải vào BV để được khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.
Dấu hiệu viêm tụy cấp
Tụy nằm sau dạ dày và sát thành ổ bụng, dài khoảng 15-24cm, có các thành phần men tiêu hóa vô cùng lợi hại.
Khi thức ăn từ dạ dày được chuyển xuống tá tràng thì các men của tuyến tụy hòa trộn vào thức ăn để phân rã chúng thành các thành phần cơ bản như phân cắt chất đạm, các a-xít amin, vận chuyển đường… đi nuôi cơ thể.
Khi bị viêm tụy cấp, cơ thể chỉ xuất hiện những cơn đau bụng khởi phát đột ngột, sau một bữa ăn no, ăn nhiều mỡ. Người bệnh bị đau vùng trên rốn, bên trái, lan ra lưng trái; kèm theo nôn nhiều, liên tục, sau nôn không đỡ đau.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....