Bệnh có thể dẫn đến tử vong

Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ bé nằm trong ổ bụng, nhưng lại có vai trò khá quan trọng vì nó tiết ra một số men giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn. Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến do sự tiêu hủy của các men tụy.

Tuyến tụy là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân thường gặp là siêu vi, chấn thương, sỏi mật, sỏi bùn đường mật, giun chui ống mật, thuốc (valproic acid, l-asparaginase, 6-mercaptopurin, azathioprin). Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm: bệnh hệ thống, chuyển hóa, đột biến di truyền và vô căn.
 
Viêm tụy cấp ở trẻ em thường có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Diễn tiến viêm tuỵ cấp có thể nhẹ, tự khỏi cho đến thể nặng gây nguy hiểm đến tính mạng do các biến chứng.
 
Bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, diễn tiến bệnh sẽ phức tạp (mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng trướng, liệt ruột, hạ canxi máu, suy hô hấp, xuất huyết…), bệnh nhi sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Triệu chứng bệnh

Theo BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, có ba nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tụy là di truyền, rối loạn chuyển hóa và siêu vi. Ngoài ra, chấn thương vùng bụng, sỏi mật cũng có thể gây viêm tụy. Ở thể cấp tính, bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.

Bệnh nhi viêm tụy cấp có thể ho, nôn ra máu. Ảnh minh họa: Internet

Bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ năm trở lên. Hầu hết các trẻ bị viêm tụy cấp đều bị đau bụng, thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trẻ bị đau đột ngột quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, tăng dần và đau dữ dội vài giờ sau đó, đau nhiều hơn sau khi ăn.
 
Triệu chứng đau bụng, ói dữ dội xảy ra đồng thời, có thể kèm sốt. Đặc biệt, như trường hợp bệnh nhi 11 tuổi viêm tụy cấp thậm chí nôn ra máu nhiều lần.

Tuy nhiên, phân biệt với các bệnh lý khác có cùng biểu hiện đau bụng, ở bệnh nhi viêm tụy cấp không kèm tiêu chảy.
 
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng kể trên, để xác định chính xác trẻ bị viêm tụy cấp, phải nhờ vào các kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, thậm chí MRI.
 
Trong những trường hợp nặng có nhiễm trùng hoặc chảy máu, bệnh nhân có thể bị mất nước và huyết áp thấp với những triệu chứng sau: Yếu hoặc cảm thấy mệt, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê, dễ bị kích thích, bồn chồn hoặc khó tập trung, đau đầu
 
Nếu huyết áp thấp quá mức, những cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu nuôi để thực hiện những chức năng bình thường của chúng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm được gọi là sốc giảm thể tích.

Cách nào để phòng tránh?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp bao gồm: hút thuốc nhiều, lạm dụng rượu bia, nồng độ mỡ trong máu cao, tiền sử gia đình đã có người từng mắc bệnh viêm tụy, hoặc mắc một số bệnh lý khác, như bệnh sỏi mật hay bệnh xơ nang. Các vấn đề về mặt cấu trúc của tuyến tụy hoặc ống mật cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
 
Ngoài ra cũng phải kể đến nguyên nhân do sử dụng thuốc, bao gồm liệu pháp estrogen và một số loại kháng sinh.
 
Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh viêm tụy cấp ở trẻ em là hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc, thực hành chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo và bổ sung các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, và protein, uống nhiều nước.
 
Nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu bị đau bụng đột ngột, nhất là sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ, nôn nhiều, có thể nôn ra máu, sốt, hoặc có vấn đề vàng da và mắt.