Người mắc bệnh viêm loét dạ dày sẽ bị hạn chế chức năng tiêu hóa thức ăn, do vậy việc lựa chọn thức ăn rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho cơ quan này. Dưới đây là những nhóm thực phẩm được khuyên dùng cho người bệnh viêm loét dạ dày.

Thực phẩm dễ tiêu hóa

Khi dạ dày bị tổn thương, các hoạt động của nó sẽ không còn được linh hoạt và hiệu quả như trước. Chính vì vậy, lựa chọn thức ăn giúp dạ dày dễ hấp thu chính là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong việc lựa chọn thực phẩm cho người bị viêm loét dạ dày.

Trong thời điểm này, người bệnh nên ưu tiên thực đơn nhiều rau củ quả giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên ăn những thức ăn loãng, được hầm kĩ như canh, cháo,… cũng hỗ trợ tốt hơn cho quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.

Người bệnh viêm loét dạ dày nên tích cực tiêu thụ các thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp. Ảnh minh họa: Internet

Tránh thực phẩm chứa nhiều acid

Acid trong các loại thực phẩm sẽ làm cho các vết loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Việc trung hòa acid có tác động rất lớn trong việc giảm tác động của acid lên niêm mạc dạ dày. Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến nghị người bị viêm loét dạ dày nên thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm có khả năng kiểm soát acid như gừng, hạnh nhân, nghệ, trà hoa cúc, sữa, sữa chua,…

Thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh

Có rất nhiều loại thực phẩm không chỉ đơn thuần cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn làm giảm các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày hữu hiệu.

Mật ong

Mật ong có tính kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị các vết loét dạ dày hữu hiệu. Ảnh minh họa: Internet

Mật ong có nhiều vitamin, tinh chất kháng khuẩn tự nhiên có lợi cho sức khỏe, đồng thời điều trị các dấu hiệu viêm loét dạ dày nhanh chóng. Theo đó, bạn nên uống 1 cốc nước ấm pha mật ong vào buổi sáng trước khi ăn hoặc buổi tối trước lúc ngủ. Ngoài khả năng chữa lành các vết loét dạ dày, mật ong còn là nguồn nguyên liệu tuyệt vời để bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Chuối

Nhắc đến trái cây có khả năng điều trị viêm loét dạ dày thì nhất định không thể bỏ qua chuối. Trong chuối chứa nhiều vitamin, pectin giúp cân bằng hoạt động hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, không nên ăn chuối lúc dạ dày rỗng vì sẽ gây cảm giác cồn cào, khó chịu cho người bệnh. Chuối ngự, chuối tây là những loại chuối có hàm lượng pectin cao nhất.

Nước ép bắp cải

Một ly nước ép bắp cải sẽ mang lại nhiều tác dụng tích cực đối với người bị viêm loét dạ dày và nhiều vấn đề tiêu hóa khác. Trong nước ép bắp cải có chứa nhiều vitamin U giúp tăng cường và bảo vệ hoạt động dạ dày.

Tuy nhiên, vitamin U dễ bị mất đi ở nhiệt độ cao, do đó bạn nên sử dụng máy ép để bảo toàn tối đa nguồn dinh dưỡng có trong đó.

Sữa chua

Sữa chua có nhiều enzyme, acid lactic có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.