Tết thiếu tiền dễ sinh mâu thuẫn, có tiền lại càng nhiều mối lo hơn

Vợ chồng anh Quốc Việt và chị Thu Phượng (ở Phú Thọ) năm nay được nghỉ Tết sớm hơn mọi năm gần nửa tháng do công ty hết đơn hàng. Kinh tế khó khăn khiến lương thưởng của 2 vợ chồng cùng bị giảm một nửa so với mọi năm, vì thế cả hai xác định việc chi tiêu Tết năm nay sẽ eo hẹp hơn.

Thế nhưng chưa kịp biếu nội, ngoại, số tiền thưởng Tết 15 triệu đồng của hai vợ chồng đã vơi gần hết. Cũng chính vì việc này, cả hai thường tranh cãi, có lúc chị Phượng phải về nhà ngoại ở tạm để chờ chồng hạ hỏa. Chị chia sẻ, chưa năm nào gia đình chị rơi vào tình cảnh khó khăn như năm nay, hai vợ chồng đi làm cả năm không lo nổi cái Tết.

 
 

Nhiều cặp vợi chồng áp lực đè nặng khi mỗi dịp Tết đến. Ảnh minh họa. 

Không giống chị Phượng, chị Thu Trang (ở Ba Vì, Hà Nội) dù kinh tế gia đình không quá khó khăn, nhưng Tết năm nào chị cũng ở trong tình trạng stress, mất ngủ thường xuyên. Thậm chí có năm ra Tết chị phải đi gặp bác sĩ tâm lý khám, nhờ tư vấn để vượt qua stress.

Nguyên nhân là do chồng chị làm cai công trình xây dựng, lại là trưởng họ mà cuối năm liên hoan nhiều, trong khi một mình chị phải lo toan hết mọi việc, không biết chia sẻ cùng ai. Không chỉ vậy, sau những cuộc tất niên, chồng chị còn có tính “trăng hoa”, rồi mọi người đồn thổi khiến chị Trang bị áp lực tâm lý nặng nề, từ đó dẫn tới stress, mất ngủ. “Năm ngoái, sau Tết tôi còn phải uống thuốc an thần. Bác sĩ cảnh báo tôi may mắn đi khám sớm, phát hiện kịp thời, nếu không rất dễ bị trầm cảm vì chịu áp lực tâm lý trong thời gian dài”, chị Trang tâm sự.

Cần lên kế hoạch chi tiêu và chia sẻ cùng nhau từ những việc nhỏ nhất

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng đơn nguyên điều trị các rối loạn stress (Viện sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, hai trường hợp trên rất điển hình và phản ánh đúng thực trạng kinh tế, xã hội hiện nay. Bác sĩ Tâm cho biết, mâu thẫu gia đình đa số bắt nguồn từ chuyện kinh tế và việc không chia sẻ công việc, kể cả việc gia đình với nhau cũng sẽ gây áp lực tâm lý với người phụ nữ. 

 

TS Dương Minh Tâm cho biết, kinh tế khó khăn có thể tạo áp lực tâm lý  cho nhiều người. Ảnh: Lê Phương.

Với bức tranh toàn cảnh kinh tế như năm nay, nếu mọi người không có kế hoạch chi tiêu, quen sắm Tết “phóng tay” như mọi năm thì rất dễ bị “sạch túi”. Khi thâm hụt ngân sách quá mức, vợ chồng dễ sinh ra chán nản, mâu thuẫn, từ đó người phụ nữ nguy cơ cao rơi vào tình trạng stress, căng thẳng, trong khi nam giới lại tìm đến rượu, chất kích thích để giải sầu. Tất cả những điều đó đều chung một đích đến đó là khả năng bị rối loạn tâm thần rất cao”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách - Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng lâm sàng Dr Mp cho biết, rối loạn tâm lý trong dịp Tết thường gặp ở những cặp vợ chồng có thu nhập trung bình và trung bình thấp. Nguyên nhân chính là do “đã nghèo lại thích chơi sang” hay nói cách khác là “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Với những người có điều kiện, Tết họ sẽ tìm cách thư giãn, du lịch để giảm căng thẳng mệt mỏi. Còn với người ở nhóm thu nhập trung bình thì lại luôn muốn thể hiện mình bằng cách sắm cỗ Tết thật to, sắm cây đào thật lớn, nhà hàng xóm có gì mình phải có cái đó thậm chí vượt trội hơn. Tất cả để giải quyết khâu oai và khi tài chính đã chi tiêu hết vào những vấn đề đó, gia đình sẽ lục đục, thậm chí mâu thuẫn, cãi nhau ngày trong ngày Tết”, bác sĩ Bách phân tích.

Các cặp vợ chồng cần có kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết để vợ chồng không xảy ra mâu thuẫn. Ảnh minh họa. 

Khi đã xảy ra mâu thuẫn hai vợ chồng thường rất khó để chia sẻ với nhau, từ đó những áp lực càng đè nặng lên suy nghĩ và người dễ bị tổn thương nhất chính là phụ nữ. Đó là lý do vì sao chị em thường gặp các rối loạn tâm thần, stress, trầm cảm nhiều hơn nam giới.

Đồng quan điểm với TS Dương Minh Tâm, bác sĩ Bách cho rằng, khi kinh tế khó khăn như hiện nay, vợ chồng cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý và sẻ chia với nhau từ những công việc nhỏ trong gia đình. Đồng thời Tết cũng là dịp cả hai có nhiều thời gian để ngồi lại với nhau, bàn bạc cho tương lai của một năm tới bởi cuộc sống gia đình là cả chặng đường dài chứ không cần “sĩ diện” trong vài ngày Tết.