Thông thường để dỗ con ngủ, nhiều bà mẹ có thói quen để bé bú no rồi tự ngủ hoặc bồng bế trên tay, hát ru sau đó mới đặt bé xuống đệm. Thế nhưng, hầu như mẹ nào cũng đều gặp phải tình trạng ôm bé trên tay thì bé ngủ say sưa nhưng vừa đặt xuống đệm thì bé giật mình tỉnh giấc.

Tại sao lại có tình trạng này và làm gì để bé luôn ngủ ngon giấc?

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân khiến trẻ thức giấc khi đặt xuống giường

Trẻ sơ sinh thiếu cảm giác an toàn

Nguyên nhân đầu tiên có thể là trẻ sơ sinh thiếu cảm giác an toàn bởi chưa thể thích nghi với môi trường bên ngoài sau khi ra khỏi bụng mẹ.

Trước đó, trẻ luôn trong trạng thái được bao bọc chặt chẽ trong bụng và liên tục được nghe nhịp tim, tiếng nước ối của mẹ khiến đứa trẻ “truy tìm” cảm giác này bằng cách “yêu cầu” nằm trọn trong vòng tay của mẹ. Khi có sự thay đổi sau đó, đứa bé sẽ thức giấc.

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ

Đối với những em bé mới sinh, chu kỳ giấc ngủ của trẻ khoảng 45 phút. Thông thường phải mất 20 phút thì bé mới bắt đầu chìm vào trạng thái ngủ ngon. Trong 20 phút đầu ngủ nhẹ, bé sẽ có một số biểu hiện trên khuôn mặt, đi kèm với cử động tay chân, thỉnh thoảng ậm ừ.

Lúc này, nếu có âm thanh lớn hơn 60 dB, tự động thính giác làm việc khiến bé thức giấc, nhiều người gọi đây là phản xạ giật mình. Vì vậy, tình trạng giật mình của trẻ khi được bố mẹ đặt xuống giường là do bé đang trong giai đoạn ngủ nhẹ.

Ảnh minh họa.

Do sự phát triển thể chất của bé

Trẻ sơ sinh sẽ phải trải qua 10 giai đoạn phát triển trí não trong suốt quá trình phát triển, vậy nên, hầu hết các bé sẽ khó ngủ trong giai đoạn tăng trưởng.

Không chỉ vậy, bé còn phát triển ở các cử động tay chân, cảm xúc, nhạy cảm và điều này dẫn đến tình trạng ngủ không ngon, khó ngủ của trẻ.

Em bé không khỏe

Trong 6 tháng đầu sau sinh, có thể bé sẽ bị đau ruột, vì vậy tư thế co quắp, cảm giác khó chịu sẽ thuyên giảm khi bế. Nhưng sau khi được đặt lên giường, cơn khó chịu quay lại khiến đứa trẻ thức giấc. Tuy nhiên, khi em bé lớn lên, dần dần sự khó chịu này sẽ biến mất.

 Thói quen xấu từ cha mẹ

Một số bậc cha mẹ thích ôm con ngủ khi bé vừa chào đời. Thói quen dỗ con ngủ này được cha mẹ hình thành ngay từ nhỏ và sau đó rất khó cải thiện khiến trẻ luôn khóc khi bị đặt nằm xuống. Vì vậy, nếu muốn trẻ ngủ ngon và tự chủ khi lớn lên, hãy cố gắng giảm thiểu thói quen này.

Ảnh minh họa.

Làm gì để giải quyết tình trạng thức giấc của trẻ?

Xoay trẻ sang một bên

Khi đặt trẻ xuống, cha mẹ nên cố gắng để đặt nằm nghiêng. Khi nằm nghiêng, bé vẫn ở tư thế cuộn tròn và tạo thành một không gian an toàn nhỏ giống như trên tay mẹ.

Khi đặt trẻ xuống giường, cha mẹ cần chú ý chờ đến khi bé ngủ sâu giấc. Khi cho trẻ “tiếp đất” nên đặt một chiếc gối nhỏ ở bụng, eo và mông của bé để con có cảm giác được bao bọc. Trong suốt quá trình đặt con xuống, phần trên của mẹ phải áp sát vào cơ thể của bé; thực hiện động tác từ từ, không để trẻ nhận thấy.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể học cách cho con ngủ của cha mẹ người Nhật. Thông thường, khi đặt bé xuống giường sẽ thấy hầu như các bà mẹ đều có thói quen đặt mông em bé xuống đệm trước, sau đó từ từ hạ lưng rồi đặt đầu bé xuống sau cùng. Sau khi buông tay ra thì cùng lúc đó bé cũng thức giấc và cha mẹ lại phải bồng bế trên tay mãi.

Chính vì vậy, cha mẹ Nhật đã rút ra một phương pháp dỗ con ngủ không bị thức giấc giữa chừng. Khi đặt bé xuống giường/cũi hoặc đệm, các mẹ Nhật sẽ chọn đầu là điểm tiếp xúc đầu tiên của bé thay vì đặt mông xuống trước như cách mà nhiều người mẹ vẫn quen tay làm: Trước tiên hãy nhẹ nhàng đặt đầu bé xuống đệm, dùng 1 tay hạ từ từ cổ xuống lưng, tay kia vẫn giữ mông, nâng mông bé lên một chút trong một lúc rồi thả tay ra.

Một chút thay đổi trong quy trình đặt bé xuống giường này, chỉ trong một lần đặt bé, trẻ vẫn ngủ ngon giấc mà không bị tỉnh lại như thói quen đặt mông bé xuống trước.

Ảnh minh họa.

Thiết lập thói quen ngủ tốt

Nếu cha mẹ muốn bé dần hình thành thói quen ngủ tốt thì nên luyện tập cho bé từ khi còn nhỏ. Điều này giúp con tự chủ trong giai đoạn sau, bỏ bú đêm và hình thành dần thói quen ngủ ngon.

Vì vậy, cha mẹ đừng nên ôm con ngủ thường xuyên. Khi bé ngủ ngày, bố mẹ không nên kéo rèm để bé cảm nhận đó là ban ngày, là thời gian ngắn cho giấc ngủ và cần thức để chơi sau đó. Vào ban đêm, hãy hình thành thói quen tắt đèn để dần củng cố tiềm thức ngủ khi trời tối của bé.

Ngoài ra, một số cha mẹ cố tình dỗ bé ngủ khi trẻ không buồn ngủ. Việc dỗ ngủ như vậy vừa khó, vừa khiến trẻ dễ thức giấc. Vì vậy, hãy quan sát kĩ tín hiệu giấc ngủ từ bé, từ đó, việc dỗ ngủ sẽ phát huy hiệu quả hơn. Các tín hiệu về giấc ngủ gồm: dụi mắt và ngáp, đột nhiên bị kích thích và khóc, giảm hoạt động hoặc hành động chạm lại, bú chậm rãi,...