Chiều 15/11, tại họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố và dự kiến từ nay đến cuối năm thu hẹp dần, chỉ giữ lại 3 bệnh viện.

Để chăm sóc, điều trị cho F0, Sở Y tế đề xuất mở lại khu cách ly và thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện, xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2. Hiện, 8 địa phương đã lập bệnh viện dã chiến cấp quận huyện với quy mô 300 - 500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị thành lập thêm các khu cách ly ở phường, xã. Hiện, TP.HCM có 62 khu cách ly tập trung cấp quận huyện, phường xã.

Theo ông Hưng, F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được cách ly tại nhà và chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở phường, xã, quận, huyện.

“Tình hình dịch tại thành phố xu hướng tăng ở một số địa phương. TP cần chuẩn bị trước một bước, Sở Y tế đề xuất tăng thêm khu cách ly để ứng phó với tình huống xảy ra”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Hữu Hưng.

Có F0 không nhận được thuốc

Cũng theo ông Hưng, báo chí phản ánh nhiều F0 điều trị tại nhà khi cần được tư vấn, chăm sóc, điều trị thì không liên lạc được với trạm y tế địa phương. Ngoài ra, F0 phản ánh chậm được phát thuốc và không nhận được túi thuốc C (thuốc kháng virus). Về việc này, qua nắm bắt tình hình thì Sở biết có trường hợp như vậy.

“Sở lập tức ra văn bản nhắc nhở địa phương. Sở Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, đồng thời nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp vì nhiều địa phương chưa nắm được quy định. Chiều thứ 7 vừa qua, Sở Y tế làm việc với 22 giám đốc trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt lại. Tinh thần là tất cả F0 điều trị tại nhà (có chỉ định), nếu trạm y tế không phát gói thuốc C thì sẽ bị xử lý”, ông Hưng nói.

47.000 F0 đang điều trị tại nhà

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, trong nhiều tuần qua, một số quận, huyện ghi nhận F0 tăng. Số F0 tăng chủ yếu là người đi làm, công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp tại các quận, huyện vùng ven, như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, quận 12…

“Các công nhân được test nhanh khi đi làm, từ đó phát hiện nhiều người nhiễm nCoV. Số F0 đang điều trị tại nhà ở TP.HCM là hơn 47.000 trên tổng hơn 64.000 F0, chiếm tỷ lệ 73%”, ông Tâm cho biết. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà. Khu cách ly tập trung tại quận, huyện cũng đang được tái lập trở lại để hỗ trợ điều trị F0.

Ông Nguyễn Hồng Tâm.

Ngày 22/11, dự kiến tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ

Theo HCDC, TP.HCM đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố. Tổng cộng 701.820 trẻ trong độ tuổi này được tiêm vaccine mũi 1. Thành phố ghi nhận 54 trẻ bị phản ứng nhẹ thông thường sau tiêm, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng. Khi thành phố triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em thì có 665.449 gia đình phụ huynh đồng thuận tiêm, tỷ lệ 94,6%.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27/10 và kết thúc ngày 8/11. Chiến dịch được triển khai ở tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với 509 điểm tiêm cho trẻ đi học và 68 điểm tiêm chủng trẻ không đi học.

Dự kiến, thành phố sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi từ 22/11, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 và cuốn chiếu dần đến độ tuổi nhỏ hơn. Thành phố hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong tháng 11/2021.