Tối 9/5, vận động viên (VĐV) điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Thành tích của cô gái quê Bắc Giang được xem là kỳ tích, không phải ở thông số thời gian để giành HCV ở mỗi nội dung mà nằm ở quãng nghỉ giữa hai nội dung thi đấu.

Theo đó, Nguyễn Thị Oanh sau khi giành HCV cự ly 1.500m, cô chỉ có 30 phút để bước vào tham dự nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Trên thực tế, thời gian nghỉ giữa hai lần xuất phát của Oanh cũng chỉ có 20 phút.

Lịch sử điền kinh thế giới chưa ghi nhận trường hợp VĐV nào lập được kỳ tích như Nguyễn Thị Oanh. Để so sánh thành tích của Oanh với thế giới, mặc dù so sánh có phần hơi khiên cưỡng, gần như chỉ có huyền thoại người Mỹ Carl Lewis là từng giành HCV ở các nội dung khác nhau nhưng ở cự ly ngắn (100m, 200m) và nhảy xa ở Olympic 1984. 

Nguyễn Thị Oanh lập kỳ tích khi giành cú đúp HCV nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong thời gian cách nhau 20 phút (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Sau Carl Lewis, các VĐV xuất sắc nhất trên thế giới cũng chỉ có thể vô địch tối đa hai cự ly nhưng ở cùng một nội dung. 

Điển hình như ở Olympic 2012, hai vận động viên người Jamaica, Usain Bolt (nam) và Elaine Thompson (nữ) đều giành HCV 100m và 200m, cự ly ngắn và thiên về tốc độ. Hoặc Mo Rarah (Anh) giành HCV 5.000m và 10.000m, cự ly dài và thiên về sức bền. Điều đáng nói các VĐV trên đều có thời gian nghỉ giữa các nội dung thi đấu đúng chuẩn quy định.

Theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau, cách nhau ít nhất 12 giờ.

Ở Olympic, Asiad, môn điền kinh phải có lịch thi đấu sơ bộ trước 4 năm và lịch thi đấu cố định từ 2 năm trước giải. Với các giải điền kinh vô địch thế giới, lịch thi đấu phải được ấn định 6 tháng trước giải.

Trong khi đó tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh lập cú đúp HCV chỉ trong quãng thời gian nghỉ chưa đầy 20 phút và lịch thi đấu SEA Games 32 được Ban tổ chức (BTC) thay đổi chóng mặt.

Cụ thể, theo lịch thi đấu đã công bố trước đó, Nguyễn Thị Oanh sẽ tham dự cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật lúc 17h50 ngày 9/5. Đến 16h30 ngày 11/5, Oanh mới bước vào thi nội dung 1.500m.

Nhưng đến đêm 8/5, ban tổ chức bất ngờ thông báo thay đổi lịch thi đấu. Theo đó, nội dung 1.500m nữ thay vì đấu ngày 11/5 sẽ được đẩy lên đấu vào lúc 17h30 hôm 9/5, đồng nghĩa hai nội dung thi đấu mà Oanh tham dự chỉ cách nhau đúng 20 phút.

 

Một điều cần nhấn mạnh nữa, những tấm HCV mà Nguyễn Thị Oanh mang về cho đoàn thể thao Việt Nam được xem là kỳ tích khi thuộc ba nội dung và cự ly rất khác nhau: 1.500m (cự ly trung bình), 5.000m (cự ly dài) và 3.000m vượt chướng ngại vật.

Theo quy định của điền kinh thế giới, việc xếp lịch thi đấu các nội dung thường phải phân theo từng cặp có sự liên quan về chuyên môn. Cụ thể: 100m và 200m (cự ly ngắn, tốc độ); 800m và 1.500m (cự ly trung bình, tốc độ và sức bền); 5.000m và 10.000m (cự ly dài, sức bền).

Còn 3.000m vượt chướng ngại vật được xem là cự ly trung bình dài và được tính riêng là một nội dung. Trên đường chạy này, bên cạnh tốc độ hay sức bền, các VĐV phải dùng kỹ thuật để vượt qua thanh chắn, hố nước - những chướng ngại vật làm cản trở rất nhiều tốc độ của VĐV trong quá trình thi đấu.

Chính vì vậy, cú đúp HCV trong 20 phút và cú hat-trick HCV chỉ trong vòng 24 giờ của Nguyễn Thị Oanh phải khiến điền kinh thế giới "ngả mũ thán phục".

Mới nhất, hãng tin AFP cũng bày tỏ sự kinh ngạc về kỳ tích giành HCV của Nguyễn Thị Oanh. Hãng tin nước Pháp bày tỏ: "Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành hai HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á".

Đáng chú ý, đây là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp mà Oanh giành cả 2 HCV 1.500m và 5.000m. Còn ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật dành cho nữ lần đầu đưa vào thi đấu ở SEA Games 30, chủ nhân tấm HCV vẫn luôn là Nguyễn Thị Oanh.