Vì sao nhiều người ho kéo dài sau khi mắc COVID-19?

Ho là một phản xạ phổ biến, giúp làm thoáng cổ họng bằng cách đẩy các chất dịch ra bên ngoài. Có một số lý do khiến nhiều người bị ho dai dẳng sau khi mắc COVID-19 như: Quá trình phản xạ tống xuất, đào thải xác vi rút hoặc do niêm mạc đường hô hấp sau viêm vẫn dễ bị kích thích vào mút dây thần kinh, gây cơn ho. Bên cạnh đó, một số F0 có thể ho hậu COVID-19 vì bị trào ngược dạ dày do từng dùng thuốc, hay có tổn thương xơ của phế quản phổi, có tiền sử hen suyễn... 

Ho dai dẳng thường gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Ảnh minh họa.

Bị ho nguy hiểm không?

Hầu hết các cơn ho sẽ hết, hoặc ít nhất là sẽ cải thiện đáng kể trong vòng hai tuần. Ho sau Covid-19 thường cũng không cần dùng thuốc. Bạn cần tập phục hồi chức năng với các bài tập làm tăng dung tích phổi, dùng các thuốc ho thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian như ngậm chanh mật ong.

Nếu tình trạng ho của bạn không cải thiện trong vòng 2 tuần thì có thể đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và được tư vấn cách điều trị thích hợp.

Nếu các triệu chứng phát triển thêm, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm:

- Sốt

- Đau ngực

- Đau đầu

- Buồn ngủ

- Thở khò khè

- Ho ra máu

- Khó thở

Bị ho không nên ăn gì?

1. Các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm chứa sữa sẽ chứa nhiều protein, từ đó khiến đường ruột sản sinh ra những chất nhầy dư thừa. Chất nhầy này đồng thời sẽ xuất hiện ở đường hô hấp, phổi và cổ họng, khiến bạn bị ho.

Nên hạn chế các sản phẩm từ sữa khi bạn bị ho.

2. Thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt

Khi ăn thực phẩm mặn, ngọt quá mức, phổi sẽ bị nóng, gây ra ho. Những thực phẩm nên tránh vì chứa nhiều muối hoặc đường là thịt hun khói, cá muối... Nếu tiếp tục giữ thói quen ăn uống như vậy, khả năng cao là triệu chứng ho sẽ tiếp diễn lâu dài.

3. Thực phẩm lạnh

Nếu đã bị ho sẵn, ăn thực phẩm lạnh sẽ kích thích cổ họng, khiến bệnh nặng thêm. Bình thường, ăn hoặc uống đồ lạnh sẽ khiến phổi bị tắc khí, tổn thương do nhiễm lạnh - nguyên nhân chính gây ra ho.

4. Thực phẩm cay nóng

Vùng niêm mạc họng rất dễ bị sưng, viêm nếu bạn ăn quá nhiều đồ cay. Các gia vị cần tránh để không bị ho là ớt, tiêu, gừng, mù tạt... và các món ăn chứa nhiều gia vị này.

5. Hải sản

Hệ hô hấp khá dễ bị kích thích bởi vỏ của các loại hải sản như tôm, cua... Chúng cũng chứa nhiều protein, và giống như sữa, các chất nhầy sẽ liên tục được sản sinh, gây ra ho có đờm.

6. Caffeine

Khi cơ thể mất nước, cổ họng sẽ khô rát và khó chịu, khiến bệnh nhân ho khan. Caffeine có trong trà, cà phê... lại là một chất lợi tiểu nhẹ, khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn và cơ thể dễ mất nước hơn.

7. Thức uống có cồn và có gas

Các thức uống chứa cồn và gas như rượu, bia, nước ngọt... có thể làm khô cổ họng, làm viêm họng tệ đi và ho nhiều hơn.

Bị ho nên ăn gì?

1. Mật ong 

Mật ong là một phương thuốc truyền thống để trị ho. Trong một nghiên cứu, các bậc cha mẹ đánh giá mật ong có hiệu quả nhất khi giảm triệu chứng ho về đêm của con nhỏ. Điều này phù hợp hơn cho trẻ lớn.

Mật ong được coi là "thần dược" trong việc điều trị bệnh ho.

2. Dứa

Bromelain, một hỗn hợp các enzyme tự nhiên được tìm thấy trong dứa, có khả năng làm loãng các chất nhầy, ức chế ho.

3. Súp gà

Nhiều người thắc mắc bị ho có được ăn thịt gà, thì câu trả lời là có. Một số nghiên cứu cho rằng phương thuốc lâu đời này thực sự có thể hỗ trợ điều trị ho, nghẹt mũi và cảm lạnh. 

4. Trà rễ cam thảo

Cũng như các thức uống nhẹ nhàng khác giúp giảm đau rát họng, trà rễ cây cam thảo là một phương pháp điều trị truyền thống cho bệnh ho, làm dịu đường hô hấp cũng như làm các chất nhầy loãng ra.

5. Trái cây 

Bị ho nên ăn trái cây gì? Cam, táo và việt quất là những loại quả được xướng tên ngay khi nhắc đến bệnh ho. Đây đều là các loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và ngăn ngừa các triệu chứng ho.