Âm thầm chịu đựng

Anh Nguyễn Đức Liêm (sống tại huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) vào bệnh viện khám vì bị đau vùng tinh hoàn một thời gian nhưng anh Liêm ngại đi khám mà âm thầm chịu đựng. Khi đau quá, anh tới phòng khám gần nhà được chẩn đoán viêm tinh hoàn nên uống thuốc giảm đau.

Hai tháng sau, cơn đau ở tinh hoàn lại xuất hiện và tinh hoàn bên trái to lên bất thường. Anh Liêm tới bệnh viện khám chẩn đoán viêm và uống thuốc nhưng vẫn không đỡ. Khi lên tới Hà Nội, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chẩn đoán ung thư tinh hoàn.

Anh Liêm vô cùng lo sợ vì còn trẻ đã mắc ung thư lại là ung thư tinh hoàn. Vợ anh khi nghe tin chồng ung thư chỉ ngồi khóc. Hai vợ chồng anh Liêm lại khăn gói xuống Bệnh viện K để khám và điều trị. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ đã cho truyền hoá chất.

Cùng cảnh ngộ với anh Liêm, bệnh nhân Nguyễn T.N. (19 tuổi, quê Hạ Long, Quảng Ninh) cũng bị ung thư tinh hoàn. N. kể cậu thấy bị sưng một bên tinh hoàn nhưng nghĩ có thể do côn trùng cắn, cảm giác tinh hoàn nặng nhưng vẫn chủ quan không tìm tới bác sĩ.

Tinh hoàn bị ung thư được phẫu thuật - Ảnh minh họa: Internet

Đến khi tinh hoàn chảy xuống, không có cảm giác đau. Cậu đi khám bệnh mới biết mình bị ung thư tinh hoàn. N. phải cắt bỏ 2 "nhà máy sản xuất tinh binh" này để giữ lại tính mạng. Cậu luôn mặc cảm, tự ti thân hình “thái giám” của mình. Các bác sĩ tư vấn sau này nếu lập gia đình N. không thể có con và việc quan hệ tình dục cũng bị ảnh hưởng. N. phải sử dụng thuốc dành cho phái mạnh để duy trì bản lĩnh quý ông của mình. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Bệnh viện Thận Hà Nội, tinh hoàn của nam giới giữ vai trò nội tiết và ngoại tiết quan trọng. Nếu phải cắt bỏ cả hai tinh hoàn thì nội tiết tố nam ở nam giới giảm ghê gớm. Nếu loại bỏ hai tinh hoàn thì ham muốn giảm. Chức năng sản xuất tinh trùng không còn, nam giới không còn khả năng sinh sản.

Dấu hiệu ung thư tinh hoàn

Giáo sư Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tỷ lệ ung thư tinh hoàn thấp hơn so với các ung thư khác ở nam giới như ung thư phổi, ung thư gan. Tuy nhiên ung thư tinh hoàn cũng khiến mày râu sống dở, chết dở.

Việc phát hiện để điều trị ung thư sớm là rất quan trọng, sẽ giúp cho bệnh nhân có cơ hội sống chất lượng. 

Giáo sư Khoa cho biết triệu chứng của ung thư tinh hoàn không giống nhau ở mọi người. Có thể lúc đầu khối ung thư còn khu trú ở tuyến, hầu như chưa có biểu hiện. Về sau, tinh hoàn tăng dần thể tích và nổi cục. Mào tinh hoàn, màng tinh, thừng tinh đều bình thường trong suốt thời gian dài. 

Dấu hiệu nhận biết ung thư tinh hoàn - Ảnh minh họa: Internet

Đến nay, các bác sĩ vẫn khuyến cáo nam giới nên tự kiểm tra tinh hoàn hàng tháng để phát hiện kịp thời bệnh rất quan trọng. Mục đích nhằm đảm bảo chắc rằng không có dấu hiệu gì bất thường của ung thư. 

Cách kiểm tra ung thư tinh hoàn: Khi tắm, tắm bằng nước ấm xong, nam giới cần sờ vào vùng tinh hoàn của mình vì khi da vùng bìu đang mềm và sẽ cảm nhận được có u, cục lạ xuất hiện không. Quan sát, chú ý đến kích cỡ, hình dáng và độ lớn của tinh hoàn.

Dùng 2 tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn. Phát hiện mào tinh hoàn là để xem có u bướu gì bất thường không. Nếu thấy các cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn cần chú ý kỹ.

Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục nên đi kiểm tra chuyên khoa để có những tư vấn kịp thời vì ung thư tinh hoàn được phát hiện sớm thì thành công trong điều trị rất lớn. 

Các triệu chứng ban đầu của ung thư tinh hoàn như mọc u bướu nhỏ không đau ở vùng tinh hoàn, tinh hoàn to hơn bình thường, đau bên trong tinh hoàn. 

Phương pháp siêu âm giúp chẩn đoán chính xác 75% trường hợp ung thư tinh hoàn. Việc điều trị ung thư tinh hoàn có nhiều kết quả khả quan.

Theo GS Khoa, hiện nay các phương pháp điều trị có thể mang lại kết quả điều trị tốt đối với ung thư tinh hoàn 95% sống sau 5 năm. Khi có bất thường ở tinh hoàn, nam giới nên tìm tới các cơ sở để kiểm tra bệnh kịp thời thay vì ngại ngùng khiến bệnh nặng thêm.