Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, mới đây, các bác sĩ khoa Ung bướu đã thực hiện nội soi cắt thuỳ phổi và nạo vét hạch cho bệnh nhân ung thư phổi với khối u ác tính thuỳ dưới phổi trái. 

Bệnh nhân là ông T.T.S (63 tuổi) ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Ông S đi khám do ở nhà ho khan từng cơn kèm đau tức ngực. Các bác sĩ tuyến dưới phát hiện khối u ở phổi nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. 

Bệnh nhân chia sẻ, bản thân đã hút thuốc lào gần 30 năm, không có bệnh lý kèm theo. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, nhu mô thuỳ dưới phổi trái của người bệnh có khối u đường kính hơn 4cm. 

Sau khi sinh thiết đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thuỳ dưới phổi trái, xâm lấn thuỳ trên phổi trái, được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u kết hợp hoá xạ trị để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy khối u thuỳ dưới phổi trái kích thước 4 x 5cm, co kéo màng phổi, xâm lấn qua rãnh liên thuỳ dính vào thuỳ trên phổi trái. Kíp mổ tiến hành phẫu tích cắt thuỳ dưới phổi trái và một phần thuỳ trên phổi trái kèm nạo vét hạch trung thất.

Hình ảnh chụp cắt lớp khối u phổi ác tính của bệnh nhân S. trước và sau khi phẫu thuật.

Sau khoảng 2 tiếng phẫu thuật, kíp mổ đã cắt bỏ thành công khối u ác tính thuỳ dưới phổi trái. Nở phổi kiểm tra không thấy dò khí, bệnh nhân mất máu ít nhờ kỹ năng phẫu tích tỉ mỉ, khéo léo của phẫu thuật viên. 

Bệnh nhân tỉnh táo ngay sau mổ, tự thở tốt và ngồi dậy được. Sau 3 ngày, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hoá, xạ trị sau khi vết mổ ổn định để triệt căn ung thu, giúp bệnh khỏi lâu dài, hạn chế nguy cơ tái phát.

Bác sĩ Vũ Xuân Kiên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây, để phẫu thuật cắt thùy phổi thì các bác sĩ sẽ phải sử dụng phương pháp truyền thống là mổ mở với vết mổ dài 15 – 20 cm, phải cắt cơ thành ngực cùng dụng cụ banh lồng ngực khiến người bệnh đau đớn kéo dài, hồi phục chậm và gây mất thẩm mỹ với sẹo mổ lớn. 

Với xu hướng phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi và nạo vét hạch ra đời đã khắc phục các hạn chế của phương pháp mổ mở truyền thống, mang lại nhiều ưu điểm vượt trội: vết mổ thành ngực nhỏ, không cần đến dụng cụ banh lồng ngực. 

Nhờ đó,bệnh nhân ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh, giảm nguy cơ tai biến (chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp…), tính thẩm mỹ cao.

“Phẫu thuật nội soi cắt thuỳ phổi kèm nạo vét hạch là kỹ thuật khó, bởi cần thực hiện phẫu tích và khống chế động tĩnh mạch, phế quản phổi trong một phẫu trường nhỏ hẹp; hơn nữa vị trí phổi lại nằm sát với nhiều bộ phận quan trọng trong lồng ngực như tim, động mạch chủ..., nguy cơ tai biến trong và sau mổ luôn thường trực. 

Điều này đòi hỏi các thao tác của phẫu thuật viên phải khéo léo, dứt khoát và chính xác. Trường hợp bệnh nhân S. phức tạp hơn do khối u đã xâm lấn một phần thuỳ trên phổi trái và có hạch trung thất nên cần phải nạo vét hạch kỹ càng, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. 

Phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân giảm đau đớn, hồi phục nhanh, đồng thời vết mổ nhỏ và thẩm mỹ hơn”, bác sĩ Kiên chia sẻ. 

Bệnh nhân S. phục hồi tích cực sau phẫu thuật nội soi điều trị ung thư phổi.

Theo bác sĩ Kiên, ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư. 

Tại Việt Nam, bệnh đứng thứ nhất trong các ung thư ở nam giới, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới và thường gặp ở độ tuổi 50 – 75 tuổi. 

Ung thư phổi tiến triển nhanh, di căn sớm, đa số phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao do không đáp ứng điều trị. 

Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và kịp thời với phương pháp tiên tiến, hiện đại (phẫu thuật, xạ trị và hóa trị) thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh ổn định lâu dài. 

"Người dân nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là các đối tượng hút thuốc lâu năm như trường hợp của bệnh nhân S. hoặc gia đình có người thân nghiện thuốc lá, thuốc lào, sống trong môi trường ô nhiễm… nên đi khám sàng lọc ung thư phổi thường xuyên", bác sĩ Kiên khuyến cáo.