Chỉ 3 ngày sau khi thông tin đây ra lệnh thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu (Masan Vietnam), người tiêu dùng trong nước đã bày tỏ lo ngại về an toàn sử dụng của sản phẩm này. Một số kênh phân phối "xuống hàng" rồi lại lên kệ, vừa bán vừa ngóng thông tin từ cơ quan chức năng.

Xuống hàng rồi lại... lên

Dạo quanh thị trường, chúng tôi thấy nhiều cửa hàng, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn bán các sản phẩm tương ớt Chin-su trên. Tuy nhiên trước đó, một vài người tiêu dùng bắt gặp cảnh nhân viên siêu thị Big C đang "xuống kệ" sản phẩm này. Trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM về động thái trên, đại diện đơn vị này cho biết: Lo lắng chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, cho nên ngay khi có thông tin thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su ở Nhật Bản, một vài chi nhánh trong hệ thống đã "xuống hàng", không bày bán trên kệ. Song sau đó, đơn vị nhận được phản hồi của Masan cho là sản phẩm an toàn, đơn vị mới lên kệ, bán lại như bình thường.

Đại diện Saigon Co.op, một trong các kênh phân phối lẻ có bán sản phẩm này cho biết, quan tâm đến an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, vì vậy siêu thị cũng đã yêu cầu nhà sản xuất cung cấp thông tin liên quan về sản phẩm thu hồi. Hiện nay, siêu thị cũng đang chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để có động thái kịp thời. Đơn vị chưa thể tự tiện xuống hàng vì hoạt động phân phối đều được ràng buộc trên hợp đồng.

Chia sẻ với PV, chị Hoàng Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, thông tin về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan tại Nhật Bản khiến chị hoang mang về thành phần tương ớt mình vẫn dùng.

“Tương ớt Chin-su theo tôi đánh giá được bán ra ở mức giá khá rẻ, vị cay vừa phải. Tuy nhiên, trước thông tin sản phẩm có chứa chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản và bị thu hồi, tôi đang phải cân nhắc khi dùng”, chị Hoàng Anh nói.

Nhãn tương ớt Chinsu ghi gì?

Không chỉ chị Hoàng Anh, nhiều người tiêu dùng cũng soi nhãn sản phẩm kỹ hơn trước khi sử dụng. Tuy vậy, khách mua nhìn nhãn cứ như "người mù ngoại ngữ" mà đọc thông tin bằng tiếng nước ngoài. Thực tế, trên nhãn Chin-su của Masan, người tiêu dùng có tìm... mỏi mắt cũng không thấy dòng chữ a-xít benzoic, tên hóa chất được cảnh báo là chất cấm sửa dụng trong tương ớt ở Nhật. Lý do là vì trên nhãn, các chất này chỉ được ghi chung chung và đều được mã hóa bằng... ký hiệu. Chúng cũng chỉ dừng lại ở mức độ liệt kê thành phần chứ không có con số tỷ lệ cụ thể trong mỗi chai tương ớt.

Chẳng hạn, trên nhãn tương ớt Chin-su, thông tin thể hiện như sau: Thành phần: Nước, đường, ớt 110g/kg, muối, tinh bột biến tính (1422), tỏi, cà chua cô đặc, dextroza, maltodextrin, chất điều vị (621, 620, 635), chất điều chỉnh độ axit (260, 330), chất ổn định (415), chất bảo quản (211, 202), gia vị hỗn hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950, 951), hương tổng hợp, màu thực phẩm (110, 124), chất chống ô xy hóa (223, 221, 300), bột wasabi.

Cụ thể, với chất bảo quản 211 lẽ ra phải được nhãn ghi đầy đủ ký là ký hiệu E211. Mã này vốn là Natri benzoat, tức muối Natri của a-xít benzoic khi tồn tại trong môi trường nước. "Đây vốn là một chiêu lập lờ của hãng, không minh bạch thông tin với người dùng"- chị Hoàng Anh nói.

Chai tương ớt Chin-su 250g cùng loại với sản phẩm bị Nhật thu hồi, được bán ở một siêu thị VN với giá 12.200 đồng

Nói về việc tồn tại cách ghi nhãn không cụ thể tên hóa chất có thể gây hại nếu dùng với liều cao, đại diện cơ quan chức năng cho biết: Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm năm 2018 cho phép nhà sản xuất tự công bố, tự chịu trách nhiệm thông tin ghi trên nhãn, vì vậy cơ quan chức năng cũng không kiểm tra, kiểm soát chặt như trước.

Vì sao Nhật e ngại chất bảo quản a-xít benzoic có trong tương ớt?

Hiện nay, theo quan sát của PV, trong các loại tương ớt bày bán trên thị trường, tùy theo nhà sản xuất mà tỷ lệ tương ớt chiếm từ 26% đến 80%, còn lại là các chất điều vị, bảo quản khác...

Các nhóm chất benzoic-benzoate, theo Food.gov.uk thông tin, được dùng nhiều trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Từ đầu những năm 1900, các nhà nghiên cứu đã biết rằng axit benzoic và các benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm và thức uống sẽ tạo phản ứng sinh ra benzene. Nhưng phải đến năm 1980, sau các nghiên cứu công phu, giới khoa học đi đến kết luận rằng benzene là chất có khả năng gây ung thư (carcinogen).

Theo phân loại của Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) mức độ độc hại của benzene được xếp loại là chất có khả năng gây ung thư nhóm A1 (đã được xác nhận là gây ung thư cho người). Do đó, y giới khuyến cáo con người tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm, nước uống).

Còn trong tương ớt, lý do là ớt có hàm lượng vitamin C rất cao (hàm lượng C của ớt gấp 3 lần của cam tính trên cùng trọng lượng tương ứng). Nhiều a-xít benzoic trong tương ớt phản ứng với vitamin C nồng độ cao tạo ra benzene có khả năng gây ung thư.

Không chỉ ớt mà đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng benzoic, benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà chua đều làm tăng khả năng sinh ra benzene.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và FAO, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày.

A-xít benzoic và các benzoate là độc hại, do đó, hàm lượng có thể được thêm vào thực phẩm được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhật Bản với tiêu chuẩn cao về thực phẩm, vì vậy không cho phép sản phẩm tương ớt sử dụng chất này.

Tại Việt Nam, một chuyên gia hóa chất cho biết: Cảnh báo riêng lẻ thì đúng là benzen sinh ra gây ung thư, nhưng lượng a-xít benzoic tác động với vitamin C lượng nhỏ thì sinh ra lượng benzen ko đáng kể tới mức gây ung thư.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, liều lượng benzoate cho phép trong thực phẩm là 1.000 miligram, tức là 1 gram trên 1 kg thực phẩm. Có thể quy ra cụ thể như sau: một trẻ em 5 tuổi, nặng 20kg chỉ có thể ăn tối đa 100g bánh kẹo có sử dụng benzoate theo đúng liều lượng quy định nói trên.

Tương ớt Chin-su trên thị trường Việt Nam an toàn?

Chiều 8/4, liên quan đến lô sản phẩm tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi trong những ngày gần đây, Cục An toàn thực phẩm vừa chính thức thông tin: Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Cục này cũng khẳng định: Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng a-xít benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Trước đó, theo Trung tâm Y tế công cộng Osaka, kiểm tra hàm lượng chất này trong tương ớt Chin-su là 0,41-0,45g/kg.

Huyền Anh