Tức giận vì bị lấy điện thoại, cháu 'táng cả tô cơm vô mặt bà ngoại'
ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh vừa tư vấn cho một ca nghiện điện thoại. Chị kể: "Đó là một bé gái 9 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần. Gia đình bé cho biết từ nhỏ tới giờ bé rất ngoan và hiền. Lần đó, mẹ bé đi công tác nên nhờ bà ngoại lên chăm.
Giờ ăn, gọi mãi cháu mới xuống nhưng thấy cháu không ăn mà cứ chăm chú vào cái điện thoại - bà mới giằng cái điện thoại ra. Không ngờ cô cháu gái mà bà cưng chiều, chăm bẵm từ bé đã táng nguyên tô cơm vào mặt bà"...
Dính chặt vào điện thoại
Những câu chuyện như trên không thiếu mà đang có dấu hiệu tăng chóng mặt, cùng với thực tế ngày càng nhiều học sinh được trang bị điện thoại thông minh.
"Từ khi con tôi học lớp 8, gia đình phải mua điện thoại thông minh cho cháu, không chỉ phục vụ nhu cầu đặt xe công nghệ để đi học mà cháu thường xuyên phải làm việc nhóm, thảo luận với các bạn trên mạng phục vụ cho việc học tập theo dự án.
Đó là chưa kể con tôi cần sử dụng điện thoại trong một số tiết học mà nhà trường cho biết là làm theo quy định của Bộ GD-ĐT" - chị Phạm Thị Thu Trang, phụ huynh có con học lớp 8 ở quận 2, TP.HCM, cho biết.
Chị kể thêm: "Mấy tháng nay tôi nhận thấy tính tình của con thay đổi hẳn. Cháu gần như không có nhu cầu trò chuyện với bố mẹ hoặc em gái, suốt ngày 'ôm' khư khư cái điện thoại, kể cả giờ ăn. Những bữa cháu đi học về trễ, ăn cơm một mình thì vừa ăn vừa xem phim. Những bữa ngồi ăn chung với gia đình, con cũng cắm dây phone và bảo có nhu cầu nghe nhạc".
Chị Trang sợ con mình nghiện game online nên có nói chuyện với con về việc này nhưng "cháu khẳng định với mẹ là sau giờ học thì giải trí trên điện thoại, chủ yếu là xem phim, xem các clip chơi game trên YouTube, nghe nhạc, chat với bạn... mà thôi".
"Tôi nghĩ như vậy là bình thường, không có gì phải cấm. Nhưng dịp tết vừa rồi, vào đúng mùng 2 tết khi các anh chị em đến chơi đầy nhà, con tôi vẫn nằm lì trong phòng 'ôm' điện thoại. Ông xã tôi vì quá bực tức đã chạy vào phòng tịch thu điện thoại của cháu.
Không ngờ thằng con 14 tuổi đã lao theo bố như một thằng điên, nó xô bố vào tường để giật lấy cái điện thoại cho bằng được. Rất may các chú, bác trong nhà đã can ngăn kịp thời, nếu không thì..." - chị Trang bỏ lửng câu nói và không giấu được sự lo lắng.
Giáo viên phải được đào tạo, tập huấn để hướng dẫn học sinh cách sử dụng công nghệ nói chung, điện thoại nói riêng thông minh và hiệu quả. Họ cần được tập huấn để ứng xử trong những tình huống sư phạm đặc biệt khi gặp học trò nghiện điện thoại.
Chuyên gia Đặng Lê Anh
Đáng báo động
Theo ông Đặng Lê Anh, chuyên gia về trị liệu - chữa lành cho người nghiện game ở Hà Nội và TP.HCM, hiện nay nhiều phụ huynh không ý thức được những tác hại của việc nghiện điện thoại nên cho con trẻ sử dụng điện thoại tràn lan, thiếu sự kiểm soát.
"Tình trạng trẻ nghiện điện thoại là có thật và đáng báo động. Không chỉ trẻ ở độ tuổi học sinh phổ thông mà nhiều bé mới 3 tuổi đã nghiện điện thoại. Nếu không cho chơi điện thoại thì bé sẽ lăn ra ăn vạ, không ăn cơm, không uống sữa. Với trẻ lớn hơn khi bị tước điện thoại các em sẽ có những phản ứng quá khích, không kiềm chế bản thân và đánh lại bố mẹ.
Những tác hại của việc nghiện điện thoại thì rất nhiều: không chỉ ảnh hưởng xấu đến thị lực, gây rối loạn hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Khi các cháu được chơi, xem nhiều quá trên điện thoại rất dễ bị ngộ độc về hình ảnh: trẻ sẽ hành xử giống như nhân vật trong game, trong phim..." - ông Lê Anh thông tin.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh cũng tâm sự rằng trong bối cảnh như hiện nay, họ không thể cấm con em mình sử dụng điện thoại thông minh, nhất là khi các nhà trường cho phép học sinh mang điện thoại đi học để phục vụ việc học tập.
"Nếu có một cuộc khảo sát xem học sinh phổ thông sử dụng bao nhiêu thời gian cho việc học tập, giải trí trên điện thoại thì tôi dám chắc phần lớn thời gian các con dùng điện thoại để giải trí. Bởi giải trí rất thoải mái, không phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ như học tập" - ông Nguyễn Văn Hùng, phụ huynh có con học lớp 9 ở quận 3, TP.HCM, nhận định.
Ông Hùng băn khoăn: "Cha mẹ không thể đi theo con suốt ngày để giám sát con mình làm gì, chơi gì trên điện thoại".
Trong khi đó, ThS Thụy Anh đặt vấn đề: "Trước quy định của Bộ GD-ĐT là cho phép học sinh mang điện thoại vào trường để phục vụ cho việc học tập thì trường sư phạm và giáo viên đã chuẩn bị kỹ năng gì để ứng xử với những học sinh nghiện điện thoại?".
Nhiều giáo viên được hỏi cho biết họ lúng túng với điều này và chưa được chuẩn bị để hành xử trước các tình huống có thể phát sinh xung quanh chiếc điện thoại trên tay học sinh trong lớp học.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh: Thống nhất với con trước khi trao điện thoại
Tìm hiểu và cài đặt một số ứng dụng nhằm giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của trẻ; hãy làm gương cho con trong số lần và thời gian sử dụng điện thoại; trước khi trao điện thoại cho con cần trò chuyện và làm rõ những việc sau: mục đích phụ huynh muốn con sử dụng điện thoại, thời khóa biểu, lượng thời gian sử dụng, các khu vực nào trong nhà, hoạt động gia đình nào con được phép sử dụng điện thoại, những hình phạt khi không tuân thủ đúng những thỏa thuận...
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần tổ chức nhiều hoạt động thể chất nhằm kéo trẻ ra khỏi việc sử dụng điện thoại.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...