Từ vụ bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19, phải phòng tránh cho trẻ ra sao?
Mới đây, Việt Nam đã công bố ca thứ 15 dương tính với Covid-19, đây là một bé gái mới 3 tháng tuổi. Ngay sau khi có thông tin trên, nhiều gia đình có con nhỏ không khỏi lo lắng, bởi đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ nhiễm loại virus này ở Việt Nam.
PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam cho biết dù là ca bệnh trẻ nhỏ đầu tiên ở Việt Nam nhiễm Covid-19 nhưng đây là điều đã được tính đến trước và đã chuẩn bị phương án cách ly, điều trị nếu xảy ra. Riêng đối với trường hợp bé gái trên, việc ở chung với người bệnh trong 4 ngày thì lây là điều dễ hiểu, bởi tất cả đều có nguy cơ lây bệnh như nhau.
PGS Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết qua thực tế thì tỷ lệ trẻ nhỏ mắc Covid-19 thấp hơn so với các đối tượng khác, tuy nhiên không phải là không mắc và ca ghi nhận ở Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Ông Điển cũng cho biết không chỉ riêng dịch bệnh Covid-19 mà trước đó dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2016, đối tượng là trẻ nhỏ nhiễm bệnh và tử vong cũng thấp hơn so với các nhóm khác. Hiện các dữ liệu liên quan đến đặc điểm môi trường, miễn dịch của trẻ, đặc điểm của virus vẫn đang được nghiên cứu.
Cách phòng ngừa cho trẻ nhỏ trong tình hình dịch bệnh Covid-19
Với đặc điểm môi trường, trẻ em thường được bảo vệ ấm áp hơn, tốt hơn, sạch sẽ hơn, ăn uống dinh dưỡng tốt hơn, ít ra ngoài hơn nên tần suất nhiễm bệnh thấp hơn. Về miễn dịch, có một số tác giả cho rằng trẻ được tiêm phòng cúm, sởi, tạo ra các miễn dịch chéo tuy nhiên thông tin này chưa thật rõ ràng.
Vì vậy, việc chủ động phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này là vô cùng quan trọng. Theo đó, các gia đình không nên cho trẻ đến nơi đông người, đặc biệt nơi nghi ngờ có nguồn lây nhiễm, có người đi từ vùng dịch về. Vệ sinh cá nhân, rửa tay, rửa đồ chơi hàng ngày cho trẻ, trong thời tiết như hiện nay cần giữ ấm cho trẻ…
Đối với việc điều trị cho trường hợp trẻ 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19, các chuyên gia cho biết phác đồ điều trị của Bộ Y tế không có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ. Nguyên tắc chung vẫn là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Với trường hợp bệnh nhi ở Vĩnh Phúc, hiện trẻ có biểu hiện ho và chảy nước mũi, chưa có biểu hiện về lâm sàng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước đó, PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong trường hợp trẻ có diễn biến nặng, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tổ chức tiếp nhận điều trị cho bé. Còn hiện tại Bộ Y tế cũng đã cử chuyên gia về địa phương để “cầm tay, chỉ việc” hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...