Cái chết của 4 người trong 1 gia đình tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) do tự tử khiến nhiều người chua xót. Mọi người đặt câu hỏi day dứt: “Tại sao hai vợ chồng chưa đầy 30 còn tràn đầy sức lực, tương lai còn dài phía trước, món nợ nhỏ (70 triệu), chỉ mới gặp sai lầm không lớn (ăn trộm điện thoại 5 triệu bị bắt nhưng cho tại ngoại) nhưng đã tìm tới cái chết?. Còn kéo theo 2 đứa con mới 4-6 tuổi, ngây thơ vô tội? Lá thư tuyệt mệnh để lại cũng tràn đầy sự chán đời, bế tắc? Chẳng nhẽ họ không biết dựa vào đâu, không có người chia sẻ?”.

Mới đây, một nữ sinh viên người Thái Bình mới 21 tuổi đã tự sinh con rồi vứt con còn nguyên dây rốn từ tầng 31 của chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) xuống đất cũng khiến mọi người phẫn nộ. Những anh hùng bàn phím đều lên án hành vi độc ác, vô nhân tính của cô gái.

 

Người cô đơn sẽ cần một vòng tay ôm. Ảnh minh họa

Nhưng người bình tĩnh hơn lại day dứt: “Tại sao một cô sinh viên lại hành xử kém hiểu biết và ngây ngô như vậy?. Thậm chí người thân, người yêu đều không biết cô ấy mang thai đến ngày sinh?. Để đến mức cô ấy tự sinh con trong nhà tắm, rồi trong lúc quẫn trí, sợ hãi đã có hành động ngu dại như vậy?”.

Theo các chuyên gia tâm lý, cô đơn, không tin cậy ai để chia sẻ, không tìm được nơi bấu víu, trợ giúp, tham vọng nhiều, áp lực cuộc sống lớn là nguyên nhân khiến nhiều người bị trầm cảm dẫn đến rối loạn hành vi, làm hại người khác và chính mình.

Nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cũng cho thấy, 30% dân số Việt Nam đang gặp các vấn đề rối loạn tâm thần, trong đó 25% là trầm cảm. Nhưng chỉ 1/3 trong số người trầm cảm biết mình “có vấn đề” và 1/5 trong số họ đi khám. Còn phần lớn những người bị trầm cảm với những biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, lo âu, sống co mình đều cho rằng đó chỉ là triệu chứng tạm thời, buồn chán vu vơ, không quan trọng. Hoặc cũng có người biết rằng mình bị “bệnh nặng” nhưng cũng không dám đi khám vì sợ mọi người biết sẽ đánh giá là mình “bị điên” xa lánh, ảnh hưởng đến công việc, gia đình…

Tuy nhiên, khi các buồn chán, lo lắng này không được chia sẻ, tháo gỡ thì sẽ giống như quả bóng tuyết, càng lăn càng lớn, đến mức thần kinh không chịu đựng được và “vỡ tung”. Khiến chúng ta suy sụp đến mức tìm đến cái chết hoặc có những hành vi xốc nổi, bệnh hoạn.

Chúng ta sống cạnh nhau mà không nhận ra sự thay đổi bất thường của người thân là vì chúng ta nhìn không đủ lâu, yêu không đủ sâu. Thậm chí, ngay cả khi con cái, bố mẹ cần chúng ta chia sẻ, muốn tìm lời khuyên, sự giúp đỡ, mọi người thường lấy lý do bận kiếm sống để từ chối, trì hoãn, hứa hẹn mà không biết rằng mình đã đẩy người thân gần thêm đến cái chết.

Một sự quan tâm kịp thời có thể cứu được cả một đời. Ảnh minh họa

Trì hoãn một giờ, một ngày có khi lại mất đi cơ hội của cả một đời. Lại có người biết người thân chán nản, muốn tự sát cũng chỉ “đầu môi chót lưỡi” mắng át đi mà không có thêm sự can thiệp, giúp đỡ nào. Để rồi lúc muốn giúp đã không còn cơ hội. Và khi họ lên mạng tìm sự an ủi của 500 anh em, có thể các anh hùng bàn phím lại lao vào cười nhạo, chế diễu, mắng chửi họ “sướng quá hóa rồ”. Những người vô cảm “ném đá xuống giếng” trên mạng ảo thật sự là tội đồ khi đè chết một con người thực.  

Trong khi đó, một người trầm cảm đang có ý định tự sát, lúc đó chỉ cần một người chia sẻ, lắng nghe họ nói chuyện là có thể giúp họ vượt qua gian nan và suy nghĩ tiêu cực. Một vòng tay ôm thật chặt, cái nắm tay ấm áp có thể sưởi ấm trái tim đã không còn muốn đập.

Nhưng rõ ràng những người tự sát đã sống trong cô đơn một thời gian dài, ở giữa người thân mà như một mình trên ốc đảo. Và trầm cảm có cơ hội vươn những xúc tu ma quái kéo họ chìm xuống vực sâu của sự chán nản, đẩy họ tìm đến cái chết.

Vì thế, xin đời, muốn sống thêm bên nhau một ngày, hãy nhìn nhau đủ lâu và yêu nhau đủ sâu.