Từ những vụ trẻ vị thành niên tự tử: Hãy dành cho con sự quan tâm, yêu thương nhiều hơn
Mới đây, một bé gái 11 tuổi được phát hiện tử vong nghi rơi từ tầng 39 (Hà Nội). Nhiều ý kiến cho rằng, bé gái nhảy lầu tự tử là do buồn chuyện gia đình. Một bé gái tại TP.HCM đã nhảy lầu tự tử do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình. May mắn là bé không rơi thẳng xuống đất mà rớt xuống mái tôn lầu 2, sau đó rơi xuống đụng xe máy rồi mới tiếp đất. Bé gái hiện đang tỉnh táo, được bệnh viện theo dõi, điều trị…
TS. Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa tâm lý Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) phân tích: “Giai đoạn tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ rất dễ rơi vào khủng hoảng. Trong các lý thuyết tâm lý học cũng nói như vậy. Đó là tuổi trẻ đang muốn chuyển lên người lớn, muốn thể hiện được bản sắc riêng và muốn thấy giá trị bản thân. Trẻ muốn chứng minh được những điều mình làm. Nhưng độ tuổi này thì độ nhận thức cũng như quản lý cảm xúc còn yếu kém nhưng lại muốn chứng minh mình là người trưởng thành. Từ những mâu thuẫn này làm cho đứa trẻ có những hành động mà người lớn không thể hiểu được”.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Minh, đó chính là mâu thuẫn nội tâm và mâu thuẫn bên ngoài của trẻ. Trẻ chưa nhận thức được hậu quả, tác hại hành vi gây ra với người xung quang và bản thân. Hơn nữa, giới hạn về mối quan hệ của trẻ còn kém nên sự chia sẻ và hỗ trợ trẻ còn yếu, vậy nên khi trẻ hành động dại dột thì thường ít người biết và ít người có cơ hội giúp đỡ.
Cần nhìn nhận thêm về 2 khía cạnh. Đầu tiên là về sinh lý, khi các bộ phận trên cơ thể biến đổi, hóc môn tiết ra nhiều để xác lập rõ về mặt giới tính khiến khả năng kiềm chế cảm xúc giảm.
Thứ 2, về góc độ xã hội, cha mẹ có kỳ vọng lớn về con cái, khiến trẻ chịu nhiều áp lực. Trẻ thấy tự ti, mặc cảm vào bản thân nên đã tự tìm sự giải thoát cho riêng mình. “Vì những điều trên, cha mẹ cần nhớ, vừa làm bạn với con nhưng cũng phải nắm bắt được tâm lý cũng như định hướng cho trẻ. Định hướng không có nghĩa là áp đặt. Cha mẹ nên quan tâm đến con, quan tâm đến sự phát triển sinh lý của con nhưng không có nghĩa là xâm phạm quá sâu vào đời tư của con. Cha mẹ cần học những kiến thức nuôi dạy con cái chứ không nên chỉ biết nói, biết mắng và bắt con làm theo ý mình. Hãy dạy con đọc sách mỗi ngày chứ đừng lạm dụng quá nhiều mạng xã hội. Những câu chuyện từ mạng xã hội sẽ khiến trẻ dễ bắt chước nhau. Khả năng bắt chước của trẻ hiện nay rất lớn, rất nguy hiểm”, TS. Nguyễn Thị Minh bày tỏ.
Trước câu hỏi, ở độ tuổi dậy thì trẻ nên học những gì để tự bảo vệ mình, TS. Nguyễn Thị Minh chỉ ra rằng, để bảo vệ được bản thân, trẻ cần được trang bị kiến thức để nhận rõ mục đích sống của mình là gì, giá trị tồn tại của mình là gì. Trẻ cần học sự biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô. Trẻ nên tự trân quý bản thân, không vì một vài câu nói mà “cảm thấy tổn thương nghiêm trọng” để rồi có hành vi nông nổi.
Hơn nữa, trẻ cần có khả năng tha thứ, tự giải tỏa oan ức của bản thân, xây dựng những mối quan hệ bền chặt (anh em, bạn bè, thầy cô và sự trợ giúp xã hội).“Điều cuối cùng mà tôi muốn nói đến, chính là việc trẻ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu bố mẹ dành thời gian có chất lượng khi ở bên con. Chỉ 10 phút nói chuyện với con sẽ rất tốt, khi ấy sẽ có sự gắn kết các thành viên trong gia đình. Và điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái chính là cha mẹ yêu thương nhau thật nhiều, tình yêu thương ấy sẽ lan tỏa, tạo nhiều năng lượng tích cực cho trẻ”, TS. Nguyễn Thị Minh nói.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...