Chiều ngày 2/2, tại ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí PamAir, chỉ số chất lượng không khí ở hầu khắp các điểm đo tại Hà Nội đạt mức xấu, mức nguy hại cho sức khỏe.

Cụ thể, vào lúc 16h00 ngày 2/2, một số điểm đo có chỉ số ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất là Trường mầm non thực hành Hoa Sen (AQI 491 – mức gần kịch khung trong bảng đo chất lượng ô nhiễm không khí), thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (Cầu Giấy) có AQI 424, Khu đô thị TimeCity 409. Một số nơi có mức ô nhiễm thấp hơn nhưng vẫn ở cảnh báo màu nâu (mức cực kỳ nguy hại) như phố Nguyễn Chế Nghĩa (AQI 339), Thanh Xuân (AQI 344), Long Biên (AQI 339). Các điểm đo còn lại ở mức cảnh báo màu tím (AQI từ 200-300) hoặc màu đỏ, không có điểm đo nào màu xanh (mức có lợi cho sức khỏe).

Bầu trời mù mịt, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao.

Xung quanh Hà Nội, các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình… đều có chỉ số chất lượng không khí xấu.

Trên ứng dụng IQAir Visual của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đứng thứ 4 trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới ngày 2/2. Ứng dụng này dự báo chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc còn tiếp tục duy trì ở ngưỡng xấu trong những ngày tới.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho biết, thời điểm từ tháng 10 hàng năm đến tháng 3 năm sau là thời kỳ thường xuyên xảy ra những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại miền Bắc, liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết.

Những ngày miền Bắc lặng gió, nắng hanh trong mùa đông là thời điểm thường xuyên xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thời gian ô nhiễm nhất trong ngày thường tập trung vào đêm và buổi sáng. Khi trời nắng lên, ô nhiễm được cải thiện một phần. Theo báo cáo môi trường quốc gia 2016-2020, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2,5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.

Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.

Nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra, tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ trẻ em và người già nhập viện liên quan đến các bệnh về hô hấp gia tăng trong thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, khẩu trang thông thường không thể ngăn được bụi mịn PM2,5. Trong những ngày không khí ô nhiễm nghiêm trọng, người ra đường nên sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn chặn bụi mịn PM2,5.

Với diễn biến xấu của chất lượng không khí, người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Những ngày ô nhiễm, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, vận động, tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.